• Zalo

Hàng loạt siêu dự án ì ạch ở Hà Nội

Kinh tếThứ Tư, 08/06/2016 11:24:00 +07:00Google News

Có vốn đầu tư lớn, nằm ở những vị trí đắc địa nhưng rất nhiều dự án dù đã khởi công từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành vì các lý do khác nhau.

Trung tâm thương mại Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội)

Được khởi công từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014, trung tâm thương mại Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội) từng được kỳ vọng là đại siêu thị mang đẳng cấp quốc tế, là thiên đường mua sắm của người dân thủ đô. Theo quảng cáo của chủ đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng 200.000 m2 (siêu thị lớn nhất trên địa bàn Hà Nội). 

Tuy nhiên, sau 6 năm khởi công, dự án có quy mô lớn nằm trên “đất vàng” quận Tây Hồ chỉ là bãi công trường ngổn ngang với cột bê tông, sắt thép hoen gỉ. 

Tính đến nay, dự án đã khởi công xây dựng được 6 năm nhưng mới chỉ thi công xong phần móng. Xung quanh được che chắn bằng những tấm tôn cao gần 3 m. 

Dự án 198B Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội)

 Dự án 198B Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) nằm ở vị trí đẹp (nút giao Tây Sơn - Thái Hà - Chùa Bộc) đã xây cao 21 tầng, do Công ty TNHH Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, dự án sa lầy vì tiến độ và có nguy cơ đổi chủ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu không đủ năng lực tiếp tục thực hiện.

 Ở thời điểm hiện tại, rất ít công nhân đang làm việc. Sắt, thép hoen gỉ vì dự án thi công ì ạch.

 Hiện nay công trình xây dựng xong phần thô theo quy mô cấp phép. Trước đó, tháng 4/2008 trong quá trình thi công dự án 198B Tây Sơn đã gây lún, nứt cho nhiều hộ liền kề ở tổ 12B phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

Dự án 131 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội)

Dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh ở số 131 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) là một trong nhiều dự án chậm tiến độ gây mất mỹ quan đô thị mà Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra, rà soát. Dự án do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư, được cấp giấy phép xây dựng số 45 GP/SXD ngày 3/2/2005 với quy mô một tầng hầm, 11 tầng nổi, một tum thang máy và phòng kỹ thuật tòa nhà. 

Cuối năm 2010, sau khi thi công tầng hầm và 11 tầng nổi thì chủ đầu tư tạm dừng thi công. Đây là một trong nhiều dự án mà Sở Xây dựng kiến nghị TP Hà Nội thu hồi giấy phép đầu tư do chủ dự án không đủ năng lực. Hiện tại, tầng 1 được cho thuê để mở siêu thị, các tầng còn lại chưa hoàn thành, sắt thép hoen gỉ. 

Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ (Hà Nội)

Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ (Hà Nội) được cấp phép vào năm 1997, với tổng vốn 50 triệu USD do tập đoàn Keystone Invest (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư. Dự án nằm ở trung tâm quận Cầu Giấy, mặt trước nhìn ra hồ Nghĩa Tân, xung quanh là khu dân cư. Tổng diện tích xây dựng bệnh viện là 27.000 m2 với 300 giường, chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, não, tim mạch. 

Do vướng khâu giải phóng mặt bằng, năm 2006 dự án mới được khởi công xây dựng, đến nay đã hoàn thiện phần thô. Năm 2011, phần lắp đặt cơ điện bị gián đoạn, do nhà thầu cung cấp hệ thống điều hòa không đảm bảo chất lượng so với hợp đồng, nên công trình không thể hoàn thiện. Đến nay bệnh viện triệu đô như một tòa nhà bỏ hoang. 

Dự án ở ngõ 115 Định Công

Nằm ở vị trí ngõ 115 Định Công do Công ty TNHH Định Công là chủ đầu tư. Dự án được thiết kế với quy mô gồm 28 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật và một tầng mái đã được chính quyền Hà Nội cấp phép xây dựng từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ xây đến tầng 8 và một tầng hầm. 

Những người trót đặt cọc mua căn hộ của dự án này vẫn chưa biết số phận dự án sẽ ra sao, vì thông tin rất về xiệc xây dựng, triển khai dự án rất ít. 

Siêu dự án Hattoco

 Siêu dự án Hattoco tọa lạc tại số 110 đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình Land) làm chủ đầu tư. Tòa nhà cao 39 tầng, trong đó từ tầng 1 đến tầng 6 là trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng, từ tầng 7 đến tầng 39 là căn hộ chung cư. Theo thiết kế, dự án có nhiều hệ thống các dịch vụ tiện ích được tích hợp ngay bên trong để phục vụ cho nhu cầu của cư dân như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, nhà trẻ, hệ thống bể bơi, spa chăm sóc sức khỏe, khu sân vườn dạo bộ... Khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2012.

 Tuy nhiên, sau 7 năm kể từ ngày khởi công, tính tới thời điểm hiện tại, tòa nhà mới chỉ xây được 31 tầng trên tổng số 39 tầng. Nguyên nhân hiện được cho là do thiếu vốn. Số lượng công nhân tiếp tục triển khai dự án cũng rất ít.

Toà nhà hỗn hợp Tháp doanh nhân

Toà nhà hỗn hợp Tháp doanh nhân toạ lạc số 1, Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư. Dự án gồm 52 tầng, trong đó có 45 nổi, 5 tầng hầm, 2 tầng lửng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cao cấp cho hơn 1.000 người với vốn đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng. Dự án được khởi công 2010. Sau đó gần 4 năm, dự án trên mảnh đất vàng của trung tâm thành phố “ngủ đông” với vẻn vẹn dăm ba cọc khoan đã gỉ sét mà chưa có dấu hiệu khôi phục. Nguyên nhân chậm tiến độ được cho là do chủ đầu tư chưa hoàn tất việc đóng thuế sử dụng đất. Phải đến tháng 3/2015, dự án bắt đầu có dấu hiệu tái khởi động và đến thời điểm hiện tại đang tiếp tục xây dựng, tuy nhiên nhiều người vẫn hoài nghi về năng lực chủ đầu tư do đã từng "dính phốt" trước đó. 

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn