• Zalo

Hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Kinh tếThứ Bảy, 21/07/2018 11:58:00 +07:00Google News

Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thực hiện hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng hàng không. Thế nhưng, kết quả thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã chỉ ra nhiều bất cập của ACV trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư.

acv-1515484248008

Hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. (Ảnh: VTV).

Cụ thể, từ năm 2011 - 2016, do kế hoạch vốn chưa sát với thực tế nên có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; có dự án giá trị giải ngân thấp hơn so với kế hoạch vốn; có 1 dự án có kế hoạch vốn nhưng chưa thực hiện giải ngân. Đó là dự án Sửa chữa Nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, năm 2016 bố trí 202,7 tỷ đồng vốn nhưng trong năm không thực hiện giải ngân, đến tháng 7/2017 dự án mới khởi công.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, công tác quy hoạch các cảng hàng không chưa sát với tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hóa dẫn đến một số cảng hàng không bị quá tải, trong khi một số cảng hàng không chưa đạt công suất theo quy hoạch.

Cụ thể, theo Quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cải tạo, mở rộng nhà ga đạt công suất 25 triệu hành khách/năm nhưng thực tế đến năm 2016, lưu lượng hành khách đã vượt 32 triệu lượt.

Trong khi đó, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) đến năm 2015 xây dựng nhà ga hành khách có công suất 4 - 5 triệu hành khách/năm, dự phòng mở rộng đạt 7 - 8 triệu hành khách/năm nhưng thực tế tại thời điểm năm 2016, lưu lượng hành khách mới chỉ đạt hơn gần 1,8 triệu lượt, thấp xa so với quy hoạch. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Cảng hàng không Cà Mau.

Video: Nhiều hãng hàng không hỗ trợ khách xem đội tuyển U23

Giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, ACV đã đầu tư xây dựng 85 dự án có tổng mức đầu tư hơn 42.140 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn NSNN là 1.420,9 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 4.221,7 tỷ đồng, vốn ODA là 12.443,13 tỷ đồng, vốn ACV là 24.074,7 tỷ đồng. Qua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập, tồn tại.

Kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư của ACV còn chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Cụ thể, trong giai đoạn thực hiện đầu tư, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chưa cao, chưa sát với thực tế. Trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế, bổ sung hạng mục, khối lượng phát sinh, thay đổi vật liệu, điều chỉnh đơn giá, thiết bị... cho phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ ra những vấn đề trong thiết kế kỹ thuật đã gây khó khăn cho việc kiểm soát khối lượng, chất lượng; thiết kế kỹ thuật thay đối so với thiết kế cơ sở nhưng chưa tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở theo quy định; tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng.

Cụ thể, các tiêu chuẩn thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng chủ yếu tiêu chuẩn Anh, Mỹ. Nhưng trong quá trình thi công, nghiệm thu chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bố sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam (Dự án Nhà ga hành khách Phú Quốc, Dự án Nhà ga hành khách Vinh...) trong khi hồ sơ mời thầu theo chỉ dẫn kỹ thuật là chưa phù hợp.

ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ. Vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn nhà nước, vì vậy đối với các dự án, ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, vừa là chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn