Nhà máy lọc dầu hơn 3 tỷ USD có sức hút gì với nhà đầu tư?
Hàng loạt nhà đầu tư tìm hiểu
Theo phương án cổ phần hoá vừa được Chính Phủ thông qua, vào tuần thứ 3 của tháng 1/2018, Cty lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng tại sàn giao dịch Hồ Chí Minh.
"BSR bán đấu giá công khai lần đầu (IPO) 7,79% vốn điều lệ tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Dự kiến lần IPO này, BSR này thu về cho nhà nước khoảng 4.000 tỷđồng. Giai đoạn tiếp theo, BSR sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49% thu về cho nhà nước gần 1 tỷ USD", lãnh đạo Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết.
Theo phương án cổ phần hoá BSR được Chính phủ phê duyệt ngày 8/12/2017, vốn điều lệ BSR 31.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 43% vốn điều lệ (tương đương 1,3 tỷ cổ phần). BSR bán ưu đãi cho người lao động 0,21% vốn điều lệ (6,4 triệu cổ phần) và bán cho nhà đầu tư chiến lược 49% vốn điều lệ (1,5 tỷ cổ phần).
Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR cho biết, bên cạnh thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ giữa năm 2016, công ty rốt ráo tìm nhà đầu tư chiến lược là những đối tác có năng lực tài chính đủ mạnh, cùng ngành nghề để phát triển lọc hóa dầu tại Việt Nam.
Sau khi gửi thư mời, công ty nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược trong những tháng cuối năm 2017. Trong đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).
Trong tháng 11 vừa qua, hàng loạt các công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới và khu vực đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại BSR. Vào ngày 7/11/2017, Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha) đến tìm hiểu BSR. Với năng lực lọc dầu đạt khoảng 890 nghìn thùng/ngày, Repsol chiếm 58% sản lượng toàn Tây Ban Nha và có dự án dầu khí ở 37 quốc gia. Trong đó, lĩnh vực lọc hóa dầu của Repsol đang phát triển mạnh ở Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc và Mexico.
“Trong những năm gần đây, Repsol đã đầu tư hơn 4 tỷ Euro vào các nhà máy lọc dầu – chứng tỏ năng lực tài chính và quản trị của Repsol. Tại buổi tìm hiểu cơ hội đầu tư, đại diện Tập đoàn Năng lượng Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô…”, lãnh đạo BSR cho biết.
Sau Repsol, đoàn đại biểu thuộc Hội đồng Dầu khí các Quốc gia Đông Nam Á tham quan NMLD Dung Quất và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với BSR.
Tại buổi họp, các thành viên ASCOPE đã thảo luận về nội dung và kế hoạch hoạt động của các tiểu ban trong công tác tìm kiếm thăm dò khí, khai thác dầu thô, chính sách nghiên cứu, xây dựng năng lực của BSR sau khi nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và tái cấu trúc khi doanh nghiệp thực hiện IPO.
Cùng đó, Công ty Kevcomp (Hoa Kỳ) đã có buổi tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Kevcomp là công ty có thế mạnh trong việc cung cấp phần mềm quản lý an toàn quy trình vận hành nhà máy lọc dầu, hóa chất; quản lý chuỗi cung ứng trong thương mại…
Cuối năm ngoái, Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, PTT - công ty lớn nhất của Thái và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait đã đánh tiếng mua cổ phần của Dung Quất.
“Chúng tôi vẫn cân nhắc, chứ chưa chọn ra đối tác chiến lược chính thức”, ông Nguyên cho biết.
Nhiều lợi thế
Sau 7 năm đi vào vận hành, tổng nộp ngân sách cho nhà nước của Nhà máy lọc dầu Dung Quất trên gần 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu. NMLD Dung Quất luôn hoạt động ổn định, công suất tối ưu (bình quân 106 – 108%).
Các con số kinh doanh của Dung Quất khá ấn tượng. Năm 2016, doanh thu của nhà máy lên đến 74.000 tỉ đồng với lợi nhuận ròng 4.492 tỉ đồng, đưa tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 14%. Trong 10 tháng đầu năm 2017, doanh thu của BSR đạt 63,3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7,44 nghìn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 16,09%; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,07%; tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 9,1%.
Đặc biệt, lượng tiền mặt mà Dung Quất đang nắm giữ lên đến hơn 15.179 tỉ đồng, tạo nguồn lực đáng kể để thực hiện các thương vụ đầu tư hay thâu tóm các đối thủ mở rộng thị phần. Tổ chức Solomon (tổ chức đánh giá hiệu quả của các NMLD trên thế giới) đã đánh hoá lợi nhuận của lọc dầu Dung Quất thuộc nhóm thứ 2 trong danh sách 360 NMLD trên thế giới.
Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đánh giá BSR là
doanh nghiệp đứng thứ 16 trong tốp 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất và là doanh nghiệp lớn thứ 7 của Việt Nam.
Một trong những lợi thế tiếp theo của BSR là kế hoạch nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất (hoàn thành vào năm 2021) sẽ nâng công suất của nhà máy thêm 30%, đạt mức 8,5 triệu tấn/năm, nâng chất lượng sản phẩm đạt mức tiêu chuẩn EURO IV, V. Sau nâng cấp mở rộng, nguồn khí và dầu thô của BSR được đảm bảo ổn định.
Theo kế hoạch từ năm 2023-2025 với tiềm năng của mỏ khí Cá voi xanh, sẽ có từ 1-1,7 tỷ m3 khí đưa vào làm hoá dầu tại nhà máy. Với dầu thô, BSR đã ký hợp tác cung cấp dầu thô với Socar và Glenco của Singapore. Sản phẩm do BSR sản xuất sẽ được bao tiêu sản phẩm lâu dài, thể hiện qua việc BSR ký hợp tác với Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Ngoài ra, với đội ngũ nhân viên có trình độ cao, làm chủ công nghệ, tự vận hành và bảo dưỡng nhà máy, giúp BSR tiết giảm chi phí, tối ưu hoá quá trình vận hành nhà máy hiệu quả và ổn định.
Không chỉ ấn tượng ở quy mô tài sản, sức hấp dẫn của thương vụ cổ phần hóa Dung Quất còn nằm ở bài toán quyền lực chi phối. Sau thương vụ IPO cuối năm, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tiếp tục chuyển nhượng 49% cổ phần cho cổ đông chiến lược vào năm 2018, tức đưa tỉ lệ sở hữu của Nhà nước xuống dưới mức 50% và từ bỏ quyền kiểm soát. Điều này tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hãng lọc dầu số một Việt Nam giữa lúc giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi tốt hơn.
Một điều hấp dẫn khác ở thương vụ cổ phần hóa Dung Quất đến từ cơ hội tham gia vào khâu phân phối xăng dầu tại Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại. Hiện Luật quy định các nhà đầu tư nước ngoài không được phép phân phối xăng dầu tại Việt Nam trừ khi họ có nhà máy lọc dầu. Việc mua lại cổ phần các hãng lọc dầu nội địa để từ đó phát triển mảng phân phối đến người dùng sẽ là cách đi mà một số tập đoàn nước ngoài lựa chọn.
Video: Nổ nhà máy lọc dầu lớn nhất Italy, khói lửa cuồn cuộn nhuộm đen trời
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương -Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore, Việt Nam đang trở thành một địa điểm đầu tư hàng đầu ở châu Á và ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam sẽ là một trong những lựa chọn chiến lược và hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư.
Nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường cho các sản phẩm lọc dầu, tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp hóa dầu, và việc cổ phần hóa nhà máy lọc dầu đầu tiên và trụ cột của Việt Nam là những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư có mối quan tâm đến đầu tư chiến lược vào Việt Nam.
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh hơn trong thập kỷ tới khi tính đến sự tăng tốc về công nghiệp hóa và mức độ tiêu dùng sản phẩm hóa dầu hiện còn khá thấp của Việt Nam. Lấy mức tiêu thụ sản phẩm hóa dầu tính trên đầu người của Mỹ là 100 vào năm 2015, mức tiêu thụ của Việt Nam là 7,6; thấp hơn nhiều so với mức 30, 8 của Thái Lan và 14,4 của Trung Quốc.
"Quá trình cổ phần hoá BSR được Chính phủ Việt Nam phê duyệt đem lại những cơ hội đặc sắc cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ngành công nghiệp hóa dầu, từ khâu lọc dầu đến các sản phẩm hạ nguồn.
Đặc biệt, BSR đang tìm kiếm các đối tác chiến lược để phát triển tổ hợp hóa dầu liên kết ở khu Dung Quất, theo mô hình tổ hợp hóa dầu Jurong của Sinagpore. Điều kỳ vọng là BSR và các đối tác chiến lược của công ty sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt về chính sách từ Chính phủ Việt Nam để thành công trong nỗ lực chiến lược này", ông Khương đánh giá.
“Lọc dầu rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”, ông Michel Tosto, Giám đốc Phòng môi giới khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận định.
Bình luận