• Zalo

Hàng loạt nhà vệ sinh nhỏ xíu giá trên 500 triệu đồng

Giáo dụcThứ Bảy, 08/06/2013 08:08:00 +07:00Google News

Ghi nhận tại một số nhà vệ sinh mới xây dựng ở các trường này, chúng tôi phát hiện thêm nhiều bất cập, thậm chí số vốn còn cao hơn mức 600 triệu đồng.

Ghi nhận tại một số nhà vệ sinh mới xây dựng ở các trường này, chúng tôi phát hiện thêm nhiều bất cập, thậm chí số vốn còn cao hơn mức 600 triệu đồng.




Phòng học dột nhưng xây nhà vệ sinh giá cao

Tại Trường THCS Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa), bên cạnh nhà vệ sinh cũ còn khá vững chắc, vẫn còn sử dụng được là nhà vệ sinh mới được xây dựng và tháp chứa nước với số vốn hơn 710 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Quan sát trong nhà vệ sinh cũng cùng mẫu với Trường THCS Long Hiệp, đó là khu tiểu nam có bốn ngăn và khu tiểu nữ cũng xây ba bệ ngồi trống huơ trống hoác.

nhà vệ sinh trường học
 Nhà vệ sinh cũ (trái) của Trường THCS Nghĩa Hiệp còn sử dụng được, bên cạnh là nhà vệ sinh mới
Thầy Lê Phi Hùng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường nhận bàn giao và đưa vào sử dụng tháng 9-2012. Trong quá trình thi công xây dựng, nhà trường cũng có tham gia với vai trò... quan sát viên. Còn các khâu khác thì do Sở GD-ĐT trực tiếp làm với nhà thầu.

Theo thầy Hùng, về cơ bản công trình có ý nghĩa nhất định, chất lượng công trình chưa có gì phát sinh. Thầy nói thêm hiện trường vẫn còn thiếu các thiết bị phục vụ dạy học dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được đầu tư.

Trường đạt chuẩn quốc gia nhưng các phòng bộ môn, chất lượng thiết bị rất kém. Hiện trường có ba phòng bộ môn sinh, lý, hóa và một phòng máy vi tính 20 máy do doanh nghiệp tài trợ.

Tuy nhiên, các thiết bị phục vụ phân tích, thí nghiệm của các phòng bộ môn kém nên cho kết quả không chính xác. Nhà trường có kiến nghị nâng cấp, mua sắm mới với phòng GD-ĐT huyện nhưng vẫn chưa được duyệt.


Tại Trường tiểu học Năng An, xã Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) cũng được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh và tháp chứa nước với kinh phí 721 triệu đồng. Công trình vốn cao như vậy, mới đưa vào sử dụng tháng 1-2013 nhưng chất lượng công trình đã xuống cấp thấy rõ.

Các van khóa vòi nước bệ tiểu ngồi nữ bị hư nên nước không sử dụng được, phải dùng ca múc nước giội và các bệ tiểu nữ cũng không xây kín.

Ông Phạm Ngọc Kim, bảo vệ nhà trường, cho biết hằng ngày ông phải xách nước để học sinh giội mỗi khi đi vệ sinh xong. Do thiết kế không tính toán kỹ nên khi giội nước chảy ra sàn, đọng lại nền gạch ở cửa khiến rêu mọc trơn trượt, nhiều học sinh bị té ngã. Để khắc phục, nhà trường phải đục tạo rãnh ngay cửa ra vào để nước thoát ra ngoài.


“Nhà vệ sinh cũng cần, nhưng hiện trường có 10 phòng học cấp 4 được xây từ năm 1980 nay đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Các cột, kèo bị mối mọt có nguy cơ sập nên cứ đến năm học mới nhà trường lại phải nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên do sửa chắp vá không đồng bộ nên trời mưa là dột. Để học sinh học trong những phòng học như thế, chúng tôi rất lo. Nguyện vọng của trường là thay thế các phòng học cũ kỹ nhưng kiến nghị mãi vẫn chưa đến lượt” - hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Khanh trăn trở.

Công trình nhà vệ sinh tại Trường tiểu học Đức Thắng (xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức) được xây dựng khá đơn giản, thấp lè tè, mái lợp tôn nhưng có giá trị đầu tư trên 560 triệu đồng.

Thiết kế bên trong là một máng được xây liền tường cho học sinh nam đi tiểu và khu tiểu của nữ được gắn các viên gạch theo hình chữ V, không vách ngăn. Dù đã xây dựng xong nhưng hiện hệ thống nước vẫn chưa hoàn chỉnh, khu rửa tay của học sinh chưa có vòi xả.


Phản ánh của báo chí là đúng!

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay sở đã làm chủ đầu tư xây dựng 24 công trình nước sạch, nhà vệ sinh với tổng kinh phí đầu tư hơn 12,27 tỉ đồng. Nhà vệ sinh giá thấp nhất là 300 triệu đồng và cao nhất gần 750 triệu đồng, trung bình mỗi khu nhà vệ sinh ở các trường trên 510 triệu đồng.

 

Là thành viên trong đoàn giám sát, trực tiếp về các công trình nhà vệ sinh và nước sạch ở Trường Long Hiệp, những thực tế mà báo chí phản ánh là đúng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Quảng Ngãi
 
Cao nhất là khu nhà vệ sinh Trường tiểu học Bình Chánh 749 triệu đồng, Trường THPT Vạn Tường hơn 688 triệu đồng, Trường THPT Phạm Kiệt hơn 632 triệu đồng, Trường THPT số 2 Mộ Đức hơn 628 triệu đồng, Trường tiểu học Long Sơn hơn 598 triệu đồng...


Trao đổi với phóng viên sáng 7/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Quảng Ngãi - nói: “Là thành viên trong đoàn giám sát, trực tiếp về các công trình nhà vệ sinh và nước sạch ở Trường Long Hiệp, những thực tế mà báo chí phản ánh là đúng. Dự kiến đầu tháng 7, HĐND làm việc với Sở GD-ĐT về nhiều vấn đề đã giám sát, trong đó có việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và nhà vệ sinh với số vốn lớn mà báo chí phản ánh”.

Xoay quanh các vấn đề dư luận quan tâm như chủ trương đầu tư, quyết định vốn từng công trình, tư vấn thiết kế, quy trình xây dựng, giám sát chất lượng xây dựng..., ông Ngô Hữu Đằng - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Sở GD-ĐT Quảng Ngãi - cho rằng mỗi công trình Sở GD-ĐT đều chọn hoặc chỉ định thầu các đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát, có mời hiệu trưởng nhà trường được đầu tư tham gia với tư cách giám sát cộng đồng.

Ông Đằng nói thêm quy mô nhà vệ sinh thì căn cứ trên số lượng học sinh, dưới 200 học sinh thì xây khác, trên 200 xây khác.


Ông Lê Tấn Hùng, phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay dựa trên việc giao kế hoạch và phân khai vốn chương trình hằng năm, Sở GD-ĐT trình danh mục công trình và vốn đầu tư, Sở KH-ĐT chỉ phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng từng công trình.

Ông nói thêm thực tế có một số công trình bên Sở GD-ĐT làm định mức khá cao nhưng Sở KH-ĐT đã chặn lại cũng nhiều. Về một số công trình báo chí phản ánh xây với giá cao, không hợp lý, sở sẽ kiểm tra lại và thông tin sau.


Còn ông Phạm Tấn Hoàng - giám đốc Sở Xây dựng - cho biết đối với các dự án riêng lẻ thuộc chương trình này thì mọi vấn đề như thiết kế, thẩm định dự án, quy trình xây dựng, giám sát, chất lượng công trình, giá cả chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, sở không đủ lực lượng để kiểm tra. Sở chỉ chọn một số công trình lớn ở tỉnh để kiểm tra ngẫu nhiên rồi báo cáo chất lượng xây dựng cho UBND tỉnh.
Ngỡ ngàng, ngạc nhiên
Bà Trương Thị Xuân Hồng - phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Tại buổi giám sát công trình vệ sinh Trường Long Hiệp, tôi cũng thấy rất ngỡ ngàng, ngạc nhiên vì một nhà vệ sinh bình thường cỡ vài chục triệu, trăm triệu nhưng khi được cô hiệu phó báo là gần 600 triệu đồng, tôi hỏi đi hỏi lại có phải kinh phí như thế không. Tôi cũng không bao giờ nghĩ đó là 600 triệu đồng”.

“Quan điểm cá nhân của tôi là đầu tư chưa hợp lý, công trình vệ sinh cũng rất cấp thiết nhưng đầu tư phải phù hợp với nguồn lực mình hiện có và nhu cầu thực tế cần” - bà bày tỏ.


Theo Việt Hùng- Trà Giang/Tuổi trẻ

Bình luận
vtcnews.vn