Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nhiều trạm BOT đang thu phí như kiểu trấn lột. Dân không đi trên đường BOT nhưng vẫn bắt người dân phải đóng phí.
“Các trạm BOT phải sửa ngay cái kiểu thu phí như bóc lột người dân, không thể để mãi tình trạng này được. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được." TS Nguyễn Sĩ Dũng nói tại buổi tọa đàm khoa học "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) tổ chức sáng nay.
Video: Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói về những bất cập ở các dự án BOT
Ông Dũng cho rằng, hoạt động của các trạm BOT đang có nhiều điểm không ổn, nếu các cơ quan chức năng không xử lý sớm thì bất ổn sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, vẫn theo ông Dũng, nhiều trạm BOT đang rơi vào hoàn cảnh làm đường một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Ngoài ra, người dân sống gần khu vực các trạm BOT không đi qua đường BOT nhưng vẫn phải trả phí bình thường. Trong trường hợp này cần phải tính khác và phải miễn phí cho những người dân sống gần trạm thu phí, bởi trạm thu phí đã gây ra nhiều phiền hà, bất tiện đối với cuộc sống của họ.
Thứ ba, vẫn theo ông Dũng, các trạm BOT cần phải minh bạch và rõ ràng. Đường láng lại trên quốc lộ 1 rồi thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi, không thể nào láng lại đường là anh lại thu lần nữa.
Cuối cùng phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT, bởi BOT nhân danh người dân, xã hội nhưng xã hội chưa được ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp không được tham gia. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được huỷ bỏ.
Không xử lý sớm thì tình trạng dân dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí sẽ còn diễn ra ở nhiều nơi và diễn biến sẽ còn phức tạp hơn bây giờ”, ông Dũng khẳng định.
Ngoài ra, ông Dũng còn cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ "điểm tên, chỉ mặt" những sai sót của một số dự án BOT của Bộ GTVT là rất cần thiết.
Với những dự án sai phạm này, Thanh tra Chính phủ có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
“Để cấu thành tội phạm phải có yếu tố lỗi, nếu đơn vị không có trình độ quản lý gây thất thoát tài sản quốc gia, hay không tuân thủ quy định của nhà nước, có lợi ích nhóm… thì những yếu tố lỗi đó sẽ cấu thành tội phạm”.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Nam Cường - Nguyên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào khẳng định người dân phản ứng tại các trạm BOT Cai Lậy, BOT quốc lộ 5 là đúng.
Bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ và cũng không biết sẽ bị thu phí đến bao giờ.
Ông Cường dẫn chứng, ở nước Lào không có trạm BOT giao thông bởi lưu lượng giao thông không đáng thu, nhà nước bỏ ra toàn bộ kinh phí để xây các công trình giao thông và không lập trạm thu phí.
Còn tại vùng Đông Bắc Thái Lan, cả 18 tỉnh thuộc khu vực này không có trạm BOT nào dù chất lượng đường giao thông rất tốt. Thỉnh thoảng họ bảo dưỡng, sửa chữa nhưng không thu phí của người dân.
Bình luận