Qua Báo cáo tài chính (BCTC) có thể thấy, lý do các doanh nghiệp lỗ phổ biến là do áp lực chi phí tăng cao. Chúng tôi xin điểm qua một vài doanh nghiệp công bố lỗ trong quý 2/2017.
1. Dầu khí PV Drilling (PVD)
Trước đây, lợi nhuận PVD thường xuyên trên 2.500 tỷ đồng, nhưng 3 năm gần đây, lợi nhuận của PVD đang trên đà đi xuống. Quý 2/2017, PVD lỗ tiếp gần 60 tỷ đồng trong đó phần lỗ của cổ đông công ty mẹ là hơn 45 tỷ đồng nâng mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên đến 246 tỷ đồng.
2. Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX)
Doanh nghiệp này đã bất ngờ báo lỗ hơn 7 tỷ đồng, đánh dấu quý đầu tiên công ty thua lỗ trong suốt 4 năm qua, bất chấp doanh thu đạt kỷ lục 1.035 tỷ đồng – tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
3. Dabaco Việt Nam (DBC)
Trong quý 2/2017, DBC đã báo lỗ 33,2 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do vừa qua thị trường chăn nuôi xảy ra biến động.
4. Chăn nuôi – Mitraco (MLS)
Doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh lợn giống, chăn nuôi lợn siêu nạc cũng đã chịu tổn thất nghiêm trọng trong quý 2 với khoản lỗ ròng 30,7 tỷ đồng.
5. Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (Hakinvest - HKB)
Công ty này báo lỗ lớn 23,7 tỷ đồng do giảm trừ giá trị lợi thế thương mại và giá tiêu giảm. 6 tháng đầu năm 2017 Hakinvest lỗ 18,19 tỷ đồng
6. Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) và Xi măng Bỉm Sơn (BCC)
BTS thông báo lỗ ròng hơn 10 tỷ trong quý 2/2017. Trong khi đó Xi măng Bỉm Sơn (BCC) chịu lỗ hơn 39 tỷ đồng do chi phí khác tăng 137%, chi phí bán hàng tăng 55%, chi phí tài chính tăng 29%.
7. Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (TDC)
Công ty này đã ghi nhận con số lỗ nặng nhất trong hơn 7 năm qua, hơn 62 tỷ đồng nâng mức lỗ 6 tháng đầu năm 2017 lên hơn 77 tỷ đồng.
8. Quốc tế Hoàng Gia (RIC)
Đây là đơn vị vận hành quần thể vui chơi giải trí tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, báo lỗ gần 10 tỷ đồng.
9. CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà đã đổi tên thành Công ty cổ phần ANI
Công ty này báo lỗ 8,6 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ được đưa ra là do công ty kinh doanh dưới giá vốn đồng thời chịu lỗ từ hoạt động khác.
10. Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (VOSCO)
Công ty báo lỗ thêm 88 tỷ đồng trong quý 2/2017 - ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp không thể kinh doanh có lãi.
11. Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC)
Ocean Group báo lỗ 292 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng đầu năm, OGC lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là 278 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ của Ocean Group là do trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp họ Ocean khác là Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) cũng đã báo lỗ gần 42 tỷ đồng do tăng chi phí trích lập dự phòng công nợ.
12. Ninh Vân Bay (NVT)
Trong quý 2, mặc dù doanh thu tăng trưởng 52% nhưng NVT bất ngờ báo lỗ gần 300 tỷ đồng.
Video: Điểm lại những dự án làm ăn thua lỗ nghìn tỷ của PVN
Bình luận