Báo cáo Bộ trưởng GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết dịch bệnh Covid-19 có thể làm giảm doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Dừng hết đường bay đến Hàn Quốc là kịch bản xấu
Chỉ vài ngày sau khi dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc, các hãng hàng không Việt Nam phải cắt giảm 41% số chuyến bay đến quốc gia này. Sản lượng vận chuyển đã giảm nghiêm trọng từ 26.000 khách/ngày xuống còn 8.000-12.000 khách (giảm 54-70%).
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên đánh giá doanh thu năm 2020 sẽ sụt giảm 12.500 tỷ đồng, tương đương mức lỗ 4.300 tỷ đồng.
Khó khăn của hãng bay cũng kéo theo khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không. Tổng công ty Quản lý bay (VATM) cho biết phải đối mặt với việc các hãng chậm thanh toán chi phí điều hành bay.
Báo cáo Bộ trưởng GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng chỉ ra 2 kịch bản sụt giảm sản lượng của thị trường hàng không dựa vào diễn biến của dịch Covid-19.
Ở kịch bản khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%). Tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2%).
Trong trường hợp xấu hơn, phải hủy toàn bộ đường bay đi/đến Hàn Quốc và đến tháng 6 mới hết dịch, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với 2019. Trong đó, lượng khách quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam sẽ giảm đến 41,2%.
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho rằng dừng hết đường bay đến Hàn Quốc là kịch bản xấu, tuy nhiên còn có thể xấu hơn nếu dịch tiếp tục bùng phát.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, ngoài mất toàn bộ lượng khách Trung Quốc trong giai đoạn này, hãng bị giảm lượng khách đi/đến châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á... cũng như trên các đường bay nội địa vì tâm lý lo ngại dịch Covid-19. Hiện ngày càng nhiều đoàn khách đã hủy chuyến.
Doanh nghiệp mong Nhà nước "chia lửa"
Trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết các giải pháp tình thế vẫn đang được hãng bay áp dụng để hạn chế thiệt hại trong giai đoạn này.
Cụ thể, các hãng sẽ xúc tiến việc trả lại các máy bay thuê, giãn thời gian nhận bàn giao các máy bay đã đặt hàng. Các chặng bay thường sử dụng máy bay thân rộng được chuyển sang loại thân hẹp để phù hợp với lượng khách ít.
Về lâu dài, các hãng hàng không kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ cho áp dụng giảm 50% giá cất hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay với các chuyến nội địa trong 3 tháng (từ 1/3 đến hết 31/5), đồng thời miễn thuế hoặc giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong 3 tháng.
Phương án này sẽ giúp các hãng hàng không giảm tổng chi phí từ 1.000 đến 1.900 tỷ đồng (trong đó 204 tỷ đồng từ giảm giá dịch vụ).
"Hiện nay các đơn vị cung ứng xăng dầu đã cho các hãng bay lùi hạn thanh toán từ 10 đến 15 ngày. Các đơn vị trong thẩm quyền cũng giảm giá dịch vụ, suất ăn, xăng dầu... Chưa bao giờ ngành hàng không đoàn kết như thời điểm này", Cục trưởng cho biết.
Ông Thắng cho rằng việc tần suất bay giảm gây ra nhiều thiệt hại nhưng cũng là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp tái cơ cấu, tranh thủ sửa chữa đường băng, nâng cấp nhà ga để đón thời điểm phục hồi.
Ghi nhận các khó khăn của ngành hàng không, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vẫn lưu ý Cục Hàng không phải nắm diễn biến của dịch kịp thời. "Chỉ nghe doanh nghiệp báo cáo thì chưa chính xác, phải có kiểm chứng, số liệu thiệt hại phải được nắm hàng ngày, hàng tuần để có đề xuất", ông Thể yêu cầu.
Bên cạnh các vấn đề phải xin ý kiến Chính phủ, Bộ trưởng cũng khẳng định một số giải pháp bộ có thể tự làm được như mở thêm đường bay mới ở trong nước và quốc tế.
"Trong 48 quốc gia bùng phát dịch chủ yếu là các nước đang có mùa lạnh, virus dễ phát tán. Có thể mở thêm các chuyến bay đến các nước ở vùng nóng, ví dụ như Ấn Độ. Tại sao mở đến 56 thành phố ở Trung Quốc mà không mở thêm đến các thành phố của Ấn Độ, Indonesia, châu Phi?", Bộ trưởng Thể gợi ý.
Thậm chí, để tháo gỡ khó khăn, tư lệnh ngành giao thông đề nghị các doanh nghiệp có thể cho một số cán bộ không cần thiết tạm nghỉ không lương trong thời gian này.
Bình luận