Hàng không quốc tế 'đổ bộ' thị trường Việt Nam

Thị trườngThứ Bảy, 20/08/2022 17:37:43 +07:00
(VTC News) -

Nhiều hãng hàng không quốc tế mở đường bay thẳng tới Việt Nam cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này sau "cú sốc" COVID-19.

Hãng hàng không Air Premia của Hàn Quốc vừa chỉ định Flyone là đối tác thay mặt cho hãng để bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ đặt chỗ và chăm sóc khách hàng tại Việt Nam. Việc này để chuẩn bị cho chuyến bay hành khách đầu tiên của Air Premia từ đầu tháng 10/2022 giữa Seoul (Hàn Quốc) - TP.HCM (Việt Nam) với tần suất 4 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần.

Hàng không quốc tế 'đổ bộ' thị trường Việt Nam - 1

Loạt hãng hàng không quốc tế lên kế hoạch mở đường bay thẳng tới Việt Nam.

Air Premia cũng có kế hoạch bay Seoul đến Hà Nội trong năm 2022 hoặc muộn nhất từ đầu 2023. Air Premia mong muốn nâng cao nhận diện thương hiệu của hãng hàng không, cũng như chủ động tương tác với khách hàng tại Việt Nam.

Air Premia có trụ sở chính ở Seoul, hoạt động theo mô hình lai (hybrid) và đang khai thác dòng máy bay B787 mới, cung cấp dịch vụ cao cấp với giá cả hợp lý. Hãng chú trọng các đường bay dài và cung cấp các dịch vụ tiện nghi tốt nhất tập trung vào ba yếu tố chính: Máy bay hiện đại, đội bay và con người.

Trong khi đó, hãng hàng không MyanmarAirways International (MAI) mới đây cho biết sẽ bắt đầu khai thác các chuyến bay thẳng đến Việt Nam. Đường bay Yangon - Nội Bài được Myanmar Airways International khai thác với tần suất 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào thứ Hai và thứ Sáu, bắt đầu từ 16/9 tới.

Từ 22/9, hãng sẽ tiếp tục khai thác đường bay Yangon - TP.HCM, tần suất 1 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào thứ Năm. Tất cả các chuyến bay được hãng khai thác bằng máy bay Airbus A320.

Từ 7/8, Myanmar Airways International đã chỉ định SKYPAC AVIATION là Tổng đại lý bán hàng và dịch vụ hành khách và hàng hóa (GSSA) tại thị trường Việt Nam. Đây được coi là bước đi quan trọng để doanh nghiệp hàng không tư nhân lớn nhất Myanmar này gia nhập thị trường Việt.

Myanmar Airways International được thành lập vào năm 1993, là một hãng hàng không quốc tế hoạt động tại Myanmar. Từ khi thành lập, hãng liên tục hợp tác với các đối tác quan trọng để tăng cường khả năng đi lại bằng đường hàng không của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội chung của đất nước.

Hàng không nội địa phục hồi nhanh

Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam hiện đang đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Trong danh sách này, khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam đứng vị trí số 1 còn có Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong số này này có 1,8 triệu khách quốc tế và 38,9 triệu khách nội địa.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 667 nghìn khách, khách nội địa 19,5 triệu khách, tăng 51,8% so với cùng kỳ 2021.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hai năm 2020 - 2021, thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 42,1% và 80% so với năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam phải chật vật xoay xở, thực hiện mọi giải pháp mang tính tự vận động cũng như được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước để duy trì hoạt động.

Tuy vậy, sang năm 2022, với việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và tình hình phòng, chống dịch bệnh đạt được nhiều kết quả khả quan, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là thị trường nội địa.

Dự kiến trong năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 5 triệu khách, tăng 844% so với năm 2021. Khách nội địa sẽ đạt 82,8 triệu khách, tăng 178,4% so với năm 2021.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn