• Zalo

Hàng không đổi khái niệm ‘chậm hủy chuyến’ thành ‘bay chưa đúng giờ'

Kinh tếThứ Bảy, 26/05/2018 19:13:00 +07:00Google News

Trong báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không, Cục hàng không đã thay đổi khái niệm này mà không thông qua văn bản nào.

Bắt đầu từ tháng 7/2017, báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay hàng tháng của Cục Hàng không Việt Nam được đổi từ khái niệm tổng hợp số liệu “chậm hủy chuyến” sang thành tình hình “bay chưa đúng giờ” của các hàng hàng không. Việc thay đổi khái niệm này chưa có quy định trong văn bản.

Phản hồi về vấn đề này, đại diện Cục Hàng không cho biết việc thay đổi khái niệm này là để phù hợp với tình hình thế giới. Trên thế giới bây giờ cũng không còn khái niệm chậm hủy chuyến nữa, thay vào đó sẽ được đánh giá trên tỷ lệ chuyến bay có đúng giờ hay không (OTP).

Không riêng ở Việt Nam, các hãng hàng không thường đặt tiêu chí cạnh tranh dịch vụ là tỷ lệ bay đúng giờ được tối ưu hóa thế nào, và phấn đấu có tỷ lệ càng cao càng tốt. Như vậy việc chuyển từ khái niệm “chậm, hủy chuyến” sang “bay chưa đúng giờ” là phù hợp.

Hang khong doi khai niem ‘cham huy chuyen’ thanh ‘bay chua dung gio' hinh anh 1

Đổi khái niệm nhưng bản chất số liệu vẫn không thay đổi. 

Chiều chuyên gia cho rằng việc thay đổi khái niệm như thế nào thì bản chất của các số liệu vẫn được thống kê như cũ. Các hãng nên nhìn thẳng vào thực tế để ứng xử với khách hàng, thay vì tránh né và sử dụng khái niệm khác để giảm nhẹ tính chất vụ việc.

Mới đây, báo cáo tổng hợp tình hình khai thác chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam quý I, do Cục Hàng không công bố, đã chỉ ra hai hãng giá rẻ là Jetstar và Vietjet giữ kỷ lục về chuyến bay bị chậm giờ, khi có đến 6.742 chuyến.

Cụ thể, trong quý I, Jetstar Pacific có đến 21,1% chuyến bay không thể cất cánh đúng giờ. Hãng đã thực hiện 8.985 chuyến bay trong quý I, trong đó có 1.898 chuyến bị chậm giờ.

Vietjet Air thực hiện tổng cộng 29.261 chuyến bay, số chậm giờ cất cánh là 4.844 chuyến, tỷ lệ là 16,6%. Lý do chủ yếu khiến hãng phải lùi giờ bay là máy bay về muộn, chiếm 3.667 chuyến bị chậm.

Với Vietnam Airlines, tỷ lệ chậm chuyến là 9,8%, với 3.183 chuyến bị chậm giờ trong tổng số 32.504 chuyến bay mà hãng đã thực hiện. Máy bay về muộn cũng là nguyên nhân chính dẫn tới chậm chuyến của Vietnam Airlines.

VASCO thực hiện 3.415 chuyến bay trong quý I, tỷ lệ chậm chuyến là 2,3%, với số chuyến bị chậm là 79 chuyến.

Video: Tiếp viên hàng không tiết lộ điều không nên làm trên máy bay

Ngoài nguyên nhân lớn nhất là máy bay về muộn, những nguyên nhân phổ biến khác gây chậm chuyến trong quý I lần lượt là do hãng hàng không, do trang thiết bị tại cảng hàng không và do đơn vị quản lý, điều hành bay. Lý do thời tiết mà các hãng đưa ra chỉ chiếm 2,1% số chuyến bay bị chậm chuyến.

Về huỷ chuyến, VASCO là hãng bay huỷ nhiều chuyến nhất, với 69 chuyến, kế đến là Jetstar Pacific với 60 chuyến, Vietnam Airlines với 52 chuyến và thấp nhất là Vietjet Air với 28 chuyến.

(Nguồn: Zing News)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn