Phố vàng mã ở Hà Nội ảm đạm cận ngày rằm tháng 7.
Hàng năm, cứ trước rằm tháng 7, phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại ngập tràn đồ vàng mã và tấp nập người mua bán. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, cũng là lễ Vu lan báo hiếu, người dân thường thể hiện sự biết ơn với tổ tiên bằng việc hóa đồ vàng mã với quan niệm "trần sao, âm vậy". Vì thế, các mặt hàng vàng mã luôn được làm cầu kỳ, giống như thật.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, người dân đã thay đổi quan niệm, ngày càng hạn chế đốt vàng mã để bớt lãng phí, thị trường vàng mã vì thế cũng giảm nhiệt.
Năm nay, các sản phẩm vàng mã vẫn được tiểu thương nhập mới, đa dạng về mẫu mã, màu sắc, từ những món bình dân như quần áo, mũ nón, tiền vàng đến các đồ "hàng hiệu" như điện thoại, trang sức, túi hiệu, nhà lầu, xe hơi...Giá cả cũng bình ổn, không tăng so với năm ngoái.
Nhiều tiểu thương cho biết, sức mua năm nay giảm đáng kể. "Từ đợt chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh tế giảm sút, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu nên năm nay tôi chỉ dám nhập ít hàng, chứ không nhập quá nhiều như mọi năm nữa", một người nói.
"Mọi năm cứ đến đầu tháng 7 âm lịch, người dân lại đổ về mua sắm vàng mã tấp nập lắm, vì ở đây hàng hóa đa dạng, món nào cũng có. Nhưng đến thời điểm hiện tại, lượng tiêu thụ rất chậm, thậm chí chỉ bằng một nửa năm ngoái", tiểu thương khác cho biết.
Thay cho cảnh tất bận bán hàng như mọi năm, các chủ buôn lại đang phải "ngồi chơi xơi nước".
Quần áo thời trang, trang sức "âm phủ" đủ loại, màu sắc, hình dáng được bày bán với giá 35.000 - 70.000 đồng/bộ.
Túi "hàng hiệu" dành cho người âm cũng thu hút nhiều người lựa chọn.
Các loại xe hơi, xe máy, biệt thự được bán với giá 180.000 - 250.000 đồng.
Các mẫu điện thoại, đồng hồ thông minh, iPad cũng được nhập mới để bắt kịp "xu thế".
Nhiều cửa hàng chỉ bày ít sản phẩm vàng mã và bắt đầu bán đồ chơi trung thu.
Lác đác một vài khách ghé mua dù dịp lễ rằm tháng 7 đã cận kề.
Bình luận