"2 máy bay Tu-95M của Nga và máy bay ném bom Xian H-6 của Trung Quốc tham gia tuần tra theo một lộ trình được lên kế hoạch trước trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, máy bay của cả 2 nước hành động đúng theo quy định của luật pháp quốc tế. Theo dữ liệu giám sát khách quan, không có vi phạm không phận nước ngoài", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một thông báo đưa ra hôm 23/7.
Hàn Quốc hôm 23/7 các buộc máy bay ném bom Beriev A-50 của Nga 2 lần vi phạm không phận nước này trên biển Nhật Bản trong khu vực quần đảo Dokdo. Seoul khẳng định họ buộc phải điều chiến cơ F-15K và F-16K nổ 20 phát pháo và bắn 360 phát cảnh cáo máy bay Nga.
Video: Nga tung video oanh tạc cơ bị tiêm kích Hàn Quốc đánh chặn
Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), máy bay Nga bay vào không phận Hàn Quốc 2 lần, mỗi lần kéo dài 3 phút. JCS nói thêm, vài giờ trước đó, 2 máy bay Trung Quốc bay vào khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ), sau đó rời khỏi rồi trở lại cùng 2 chiếc TU-95 của Nga. Nhóm máy bay ở trong khu vực cảnh báo phòng không trong khoảng 25 phút.
Seoul tuyên bố các máy bay ném bom này vi phạm KADIZ, nhưng Matxcơva khẳng định đường biên này không được bất cứ quy tắc quốc tế nào đề cập và rằng không có không phận của nước thứ 3 bị xâm phạm.
Liên quan tới vụ đánh chặn, Bắc Kinh nhắc nhở Seoul rằng KADIZ không giống như vùng không phận Hàn Quốc được công nhận nên các quốc gia khác không bị giới hạn khi đi vào khu vực này.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo Seoul nên cẩn thận khi sử dụng từ 'xâm phạm'.
Quần đảo Dokko là tâm điểm tranh cái của Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều năm qua. Cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, người Nhật Bản gọi đây là đảo "Takeshima", còn ở Hàn Quốc gọi đây là đảo Dokdo.
Sau khi Seoul lên tiếng về vụ việc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng khẳng định máy bay Nga xâm phạm không phận nước này buộc Tokyo phải điều máy bay xuất kích để cảnh báo.
Matxcơva không đề cập tới hành động đánh chặn của máy bay Nhật Bản mà chỉ khẳng định Hàn Quốc đã hành động một cách phi lợi ích và đưa máy bay Nga vào thế nguy hiểm khi cắt ngang hành trình.
"Cuộc tuần tra tầm xa chung đầu tiên ở Thái Bình Dương của Nga và Trung Quốc là sự khởi đầu cho một chương trình rộng lớn hơn nhằm mục đích tăng cường khả năng hợp tác của lực lượng không quân Nga và Trung Quốc. Chương trình theo kế hoạch sẽ tiếp tục ít nhất là tới cuối năm 2019 và không nhắm vào các nước thứ 3", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Bình luận