Bà Cho Mi-hak, 66 tuổi, muốn biết công việc của con trai mình diễn ra như thế nào, vì vậy bà đã liếc trộm điện thoại di động của anh, trong đó có những tin nhắn anh trao đổi với bạn bè và đồng nghiệp.
Tuy nhiên, con trai bà không cần phải lo lắng về sự riêng tư của mình vì bà hầu như không thể hiểu được một từ nào.
Bà Cho nói: “Chúa ơi, tôi không thể suy đoán nội dung tin nhắn khi chúng chứa đầy những từ lạ, những từ có vẻ là sự kết hợp của các từ rút gọn hoặc từ lai giữa tiếng Anh và tiếng Hàn".
Sau đó, bà biết được rằng Bepu có nghĩa là "bạn thân" (best friend), Ah-Ah có nghĩa là "Americano đá" (Iced Americano), Inssa là "người trong cuộc" (insider) và Assa là "người ngoài cuộc" (outsider). Nói tóm lại, các tin nhắn của con trai bà dùng rất nhiều "Konglish" - những từ lai pha trộn giữa tiếng Hàn và tiếng Anh, phổ biến với thế hệ trẻ nhưng phần lớn người lớn tuổi không thể hiểu được.
Konglish
Việc sử dụng Konglish (Korean và English) đã gây khó khăn cho thế hệ lớn tuổi ở Hàn Quốc trong nhiều năm, nhưng những lo ngại về trào lưu này được nâng lên một tầm cao mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nhiều "từ vựng mới" đã được sinh ra như untact, nghĩa là “thanh toán không tiếp xúc”; corona blue, nghĩa là trầm cảm liên quan đến đại dịch; spandemic, chỉ các chi phí liên quan đến đại dịch như giao thực phẩm; và coronomy, chỉ hệ quả kinh tế do COVID gây ra.
Đối với thế hệ cũ, những từ như vậy cho thấy sự pha trộn trong một ngôn ngữ vốn là niềm tự hào dân tộc. Ngày kỷ niệm sự ra đời của bảng chữ cái tiếng Hàn (Hangul) được đánh dấu bằng một ngày lễ quốc gia vào ngày 9/10 hàng năm.
Chú ý đến điều này, và quan điểm cho rằng tiếng Hàn và Hangul là những nguồn chính tạo nên sức mạnh mềm của Hàn Quốc, chính phủ đã cam kết can thiệp.
Tại một buổi lễ vào 16/10, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 575 của Hangul, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ đi đầu trong việc giải quyết “nạn tham nhũng” tiếng Hàn.
“Không có Hangul, đất nước sẽ không thể vươn lên xếp hạng trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới và phát triển như một cường quốc kỹ thuật số. Cũng nhờ Hangul mà nhạc Hàn và văn hóa Hàn đã được mọi người trên khắp thế giới yêu thích", ông Kim nói.
“Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm việc sử dụng các từ và biệt ngữ nước ngoài và chuyển chúng thành những từ dễ hiểu của Hàn Quốc", Thủ tướng nói thêm.
Sự nổi lên của nhạc Hàn (K-pop) và phim Hàn (K-drama), chưa kể đến những bộ phim nổi tiếng gần đây của Netflix như Trò chơi Con Mực, đã khiến quốc tế quan tâm hơn đến văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Đến mức Từ điển tiếng Anh Oxford năm nay bổ sung 26 thuật ngữ tiếng Hàn mới, bao gồm cả Hallyu (“làn sóng Hàn Quốc”); mukbang (video phát trực tiếp có cảnh một người vừa ăn một lượng lớn thức ăn vừa nói chuyện với khán giả); chimaek (sự kết hợp giữa thịt gà và bia) và bulgogi (thịt bò hoặc thịt lợn được tẩm ướp và nướng). Thậm chí thuật ngữ Konglish cũng được thêm vào.
Nhưng trong khi từ điển tiếng Anh tỏ ra cởi mở với việc sử dụng các từ nước ngoài, thì ở Hàn Quốc - đặc biệt là đối với thế hệ cũ - điều này lại khác xa.
Nhiều người rất tự hào về ngôn ngữ hệ Altaic của nước này. Ngôn ngữ này thường đặt các đối tượng trước động từ và được các nhà ngôn ngữ học ca ngợi về tính chính xác và tiện lợi trong thời đại công nghệ thông tin. Họ nói rằng đối với độ chính xác của tiếng Hàn, Konglish không thể đáp ứng.
No Bo-kyun, 69 tuổi phàn nàn: “Nhiều người trẻ tuổi chỉ đơn giản là bỏ qua các quy tắc về chính tả và sử dụng các biệt ngữ và tiếng lóng mới theo ý thích”.
Mất từ?
Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu họ muốn loại bỏ các từ mượn và từ lai ra khỏi các văn bản pháp lý và hành chính cũng như phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều từ lai tiếng Anh phản ánh sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ (28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc), trong khi những từ ngữ khác bắt nguồn từ tiếng Nhật, di sản thời kỳ 1910-1945 của chế độ thực dân Nhật Bản.
Một từ phổ biến trong các phương tiện truyền thông địa phương gần đây là widcorona, gần với "with corona" (với corona), phản ánh việc thiếu âm "th" trong tiếng Hàn. Từ này đề cập đến kế hoạch học cách sống chung với virus và trở lại bình thường vào giữa tháng 11 của Hàn Quốc, khi hơn 80% dân số dự kiến đã được tiêm phòng.
Trong khi đó, hầu hết các con phố mua sắm và cửa hàng bách hóa đều được trang trí bằng các biển hiệu viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, nhiều trong số đó viết sai chính tả, trong khi hướng dẫn trên máy bán hàng tự động cũng thường bằng tiếng Anh.
Kim Seoncheol, một quan chức cấp cao tại Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc, cho biết hiện tượng này trở nên phổ biến hơn nhờ giới trẻ truyền tai nhau trên mạng xã hội.
“Họ nghĩ rằng làm vậy vui và thú vị hơn nhưng thật đáng tiếc khi họ sử dụng những từ ngữ tiếng Anh vô lý hoặc không chính xác thay vì những từ thuần túy và đẹp đẽ của Hàn Quốc”, ông nói, đưa ra ví dụ về việc những người trẻ sử dụng từ tiếng Anh “căng thẳng” khi họ thực sự muốn nói "vui sướng".
Và không chỉ thế hệ cũ phải vật lộn với các meme (hình chế châm biếm) và những từ vựng bị biến đổi không ngừng.
Hyun Ye-rim, 24 tuổi, cho biết: “Tôi đang ở độ tuổi ngoài 20 nhưng thậm chí đôi khi tôi không thể theo dõi những gì thanh thiếu niên nói".
Cô đưa ra một ví dụ từ Banmo, kết hợp của từ "banmal" trong tiếng Hàn - có nghĩa là những từ không có kính ngữ - và từ tiếng Anh “mode” (chế độ), để mô tả việc nói năng một cách trang trọng.
Tuy nhiên, cô cho rằng thế hệ cũ không nên lo lắng quá nhiều.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể để những người trẻ nói theo cách họ thích vì họ làm điều này để chia sẻ cảm giác đồng đội".
“Cuối cùng họ sẽ ngừng dùng những từ đó khi trưởng thành, như tôi đã từng", cô nói.
Bình luận