• Zalo

Ham mỹ phẩm Nhật, Đức, dính độc hàng Trung Quốc tự chế

Kinh tếChủ Nhật, 10/05/2015 07:17:00 +07:00Google News

Mỹ phẩm giả là nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nghiêm trọng hơn, loại này còn nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Mỹ phẩm giả là nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nghiêm trọng hơn, loại này còn nguy hiểm tới sức khỏe và sắc đẹp của người dùng.

Phát hiện nhiều kho mỹ phẩm rởm khổng lồ

Thời gian qua, nhiều vụ mỹ phẩm giả liên tiếp bị phanh phui khiến người tiêu dùng lo lắng.

Mới đây, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt 4 công ty sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm rởm có trụ sở ở TP HCM, với tổng số tiền gần nửa tỷ đồng, buộc tiêu hủy hơn 623.000 sản phẩm rởm. Các sản phẩm này chủ yếu là hóa mỹ phẩm như dầu gội, thuốc nhuộm tóc, làm móng tay, chân,... sản xuất trong nước nhưng ghi xuất xứ Italy, Thái Lan, Hàn Quốc,... Bốn công ty này đã đăng ký sản xuất nhưng chuyên mua mỹ phẩm rởm, rồi đóng mác sản xuất từ nước ngoài, chuyển về các tỉnh tiêu thụ.

Nhiều sản phẩm hóa mỹ phẩm tại cửa hàng Xuân Thủy chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều sản phẩm hóa mỹ phẩm tại cửa hàng Xuân Thủy chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. 
Vụ việc trên 100.000 sản phẩm mỹ phẩm thuộc Công ty TNHH Xuân Thủy bị tạm giữ gần đây cũng gây xôn xao dư luận, trong đó có một lượng hàng có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa và hàng không nhãn mác. DN trên còn nhập lô nguyên liệu mỹ phẩm từ nước ngoài về tự sang chiết, nhưng chưa được công bố chất lượng và xuất xứ hàng hóa.


Trước đó, tối 22/1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ lô hàng gồm 4 tấn mỹ phẩm, 3 tấn hương liệu không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn mác, được chuyển từ Lạng Sơn về. Mỹ phẩm có chữ Trung Quốc hoặc tiếng Anh, nhưng ghi sản phẩm của Đức. Đặc biệt, nhiều thùng lớn đựng hương liệu màu nâu, có mùi thơm nhưng chưa rõ là sản phẩm gì, và không có hạn sử dụng.

Ngày 14/12/2014, Công an Nghệ An bắt quả tang 5 người trú tại huyện Diễn Châu đang bán rong hàng giả là mỹ phẩm, nước súc miệng, dung dịch vệ sinh,... Khám xét nhà riêng của 8 người tại xã Diễn Kim, nhà chức trách thu thêm lượng lớn hàng giả. Các loại nước súc miệng, dầu gió, nước hoa,... được làm giả ở TP HCM, gắn mác nước ngoài, rồi được chuyển về các huyện miền núi Nghệ An tiêu thụ.

Vào tháng 10/2014, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện, thu giữ hàng ngàn hộp mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại quốc tế Bách Phương (ngõ 678 Đê La Thành, Giảng Võ, Ba Đình). Chủ cơ sở khai nhận, nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm được mua trôi nổi trên thị trường Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) rồi về đóng thành phẩm. Bao bì và nhãn mác đều in chữ nước ngoài.

Trong Nam, nhiều vụ mỹ phẩm giả cũng bị phanh phui. Giữa tháng 4/2014, Thanh tra Sở Y tế TP HCM kiểm tra nhà số 63/63 Nguyễn Biểu, quận 5, phát hiện nơi đây đang đóng gói mỹ phẩm, gồm kem dưỡng sáng da, kem dưỡng da ngăn mụn,... rởm vào chai lọ.

Trước đó, công an đã thu giữ 2.340 hộp, chai mỹ phẩm, hơn 10 kg kem bán thành phẩm, nhiều loại tem nhãn và dụng cụ làm mỹ phẩm tại nhà số 239/51 Bà Hom, quận 6. Mỹ phẩm tại đây được mua trôi nổi của Trung Quốc về trộn với hóa chất để nhái các loại mỹ phẩm nổi tiếng để trục lợi.

Mỹ phẩm giả được bày bán tràn lan

Thống kê của Ban chỉ đạo 389/QG về chống buôn lậu và gian lận thương mại mới đây cho thấy, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng,... nằm trong nhóm 30 mặt hàng bị làm giả trầm trọng, có mức độ lưu thông lớn trên thị trường Việt Nam.

Còn theo một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Nielsen và tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, hiện có đến hơn 50% số mỹ phẩm tại nước ta bị làm giả. Ở Hà Nội, 47% mỹ phẩm lưu hành là hàng giả, hàng nhái.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh mỹ phẩm vẫn bát nháo. Mỹ phẩm được bán tràn lan khắp nơi từ vỉa hè, chợ đêm đến các shop, lẫn lộn hàng xách tay, hàng giả, hàng nhái. Trong khi mỹ phẩm của các hàng tên tuổi giá khá “chát” thì giá bán ngoài chợ, cũng thương hiệu như vậy, giá rẻ chỉ bằng 1/10. Mỹ phẩm giả không chỉ xuất hiện tràn lan tại các khu chợ, cửa hiệu, mà ngay cả các diễn đàn, các trang web mua bán trên mạng cũng có không ít hàng giả.

Theo cơ quan chức năng, tại các cửa hàng, mỹ phẩm bày bán được che đậy một cách tinh vi. Hàng thật có hóa đơn chứng từ được để lẫn hàng giả nhằm qua mặt cơ quan quản lý.

Nguy hiểm hơn, mỹ phẩm "dỏm" được làm y chang như mỹ phẩm thật. Công nghệ sản xuất mỹ phẩm giả cũng ngày càng tinh vi. Các loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu không chỉ hàng sản xuất trong nước mà phần nhiều được nhập lậu từ nước ngoài, nên bao bì hàng giả, nhái rất sắc nét, người tiêu dùng rất khó phát hiện. Trong khi đó, vẫn chưa có một quy chuẩn nào của cơ quan chức năng hướng dẫn người dân phân biệt và nhận biết mỹ phẩm giả.

Các loại mỹ phẩm kém chất lượng đã gây ra nhiều hiểm họa cho người sử dụng. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nghiêm trọng hơn, chúng còn nguy hiểm tới sức khỏe và sắc đẹp của người dùng. Đã có không ít trường hợp bị dị ứng với mỹ phẩm trôi nổi dẫn đến các bệnh viêm nhiễm về da phải nhập viện điều trị.

Nguồn:vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn