UBND tỉnh Cà Mau vừa giao Sở Tư pháp tỉnh này phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật, báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đơn của ông Nguyễn Văn Đen (69 tuổi) và vợ là bà Đào Thị Hồng Thúy (65 tuổi, ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình). Báo cáo kết quả thực hiện đến Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/6/2021.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đen yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau bồi thường hơn 2,8 tỷ đồng vì ban hành quyết định trái thẩm quyền gây tổn thất vật chất và tinh thần cho gia đình họ.
UBND tỉnh ra quyết định trái thẩm quyền?
Theo hồ sơ vụ việc, chùa Phước Âm tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có nguồn gốc do ông Nguyễn Văn Minh tạo lập trên đất của ông Nguyễn Văn Tào (cha của ông Minh).
Ông Minh quản lý chùa Phước Âm đến năm 1990 thì qua đời.
Bà Hồ Thị Phấn (vợ của ông Minh) tiếp tục quản lý chùa cho đến năm 1991 thì xin gia nhập Giáo hội Phật giáo, làm thủ tục xin khắc con dấu, đồng thời xin trùng tu và quyên góp nâng cấp sửa chữa chùa. Diện tích đất chùa có 2 phần là phần đất có chùa và khuôn viên, còn lại là phần đất sản xuất.
Năm 2004, bà Phấn và con trai là ông Nguyễn Văn Út xảy ra mâu thuẫn nên ông Út thôi giữ chức Trưởng ban Hộ tự chùa và bàn giao phần đất canh tác nuôi tôm lại cho chùa quản lý, sử dụng.
Bà Phấn sau đó lập giấy ủy quyền giao cho ông Nguyễn Văn Đen và bà Đào Thị Hồng Thúy (con ruột và con dâu) được quyền quản lý và canh tác diện tích đất chùa Phước Âm.
Ngày 6/1/2007, bà Phấn và ông Đen được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 66 và thửa 198, tờ bản đồ 52 với diện tích 46.671m2 tại khóm 3, thị trấn Thới Bình.
Bà Phấn lập di chúc giao cho vợ chồng ông Đen quản lý sử dụng phần đất nói trên với điều kiện không được chuyển nhượng.
Sau đó, ông Út có đơn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau buộc gia đình ông Đen trả lại toàn bộ phần đất chùa Phước Âm cho Ban Hộ tự chùa quản lý, sử dụng.
Ngày 4/3/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 310/QĐ-UBND buộc gia đình ông Đen di dời khỏi chùa Phước Âm, giao trả diện tích đất cho chùa quản lý, sử dụng hoạt động tôn giáo theo đúng quy định.
Không đồng ý với Quyết định nêu trên, vợ chồng ông Đen có đơn khởi kiện tại TAND tỉnh Cà Mau yêu cầu hủy Quyết định số 310 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Tại bản án sơ thẩm số 08 ngày 18/12/2015 của TAND tỉnh Cà Mau Quyết định “bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Đen”.
Vợ chồng ông Đen kháng cáo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cũng Quyết định “không chấp nhận kháng cáo của vợ chồng ông”.
Đến ngày 14/2/2017, ông Đen có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Trong thời gian này, đoàn cưỡng chế của UBND huyện Thới Bình kiểm kê tài sản và tháo dỡ, di dời tài sản của gia đình ông Đen.
Ngày 30/5/2019, Chánh án TAND tối cao có Quyết định số 22/2019/KN-HC kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Bản kháng nghị của TAND tối cao cho rằng, vợ chồng ông Đen quản lý, sử dụng phần đất của chùa Phước Âm theo di chúc của bà Phấn, lẽ ra Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải hướng dẫn cho ông Út khởi kiện đến Tòa án để giải quyết bằng vụ án dân sự. Tuy nhiên, UBND tỉnh Cà Mau lại thụ lý và giải quyết tranh chấp của ông Đen và ông Út là không đúng thẩm quyền.
Từ đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao; hủy hai bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà mau và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM. Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Cà Mau xem xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
“Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau không hướng dẫn cho đương sự khởi kiện bằng vụ án dân sự mà lại ban hành Quyết định số 310, buộc gia đình ông Đen di dời ra khỏi chùa Phước Âm là không có cơ sở, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Đen, bà Thúy”, TAND tối cao nhận định.
Hủy bỏ quyết định, người dân yêu cầu bồi thường
Sau khi TAND tỉnh Cà Mau thụ lý lại vụ án nói trên, ngày 23/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1824/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định số 310 của Chủ tịch tỉnh này.
“Lý do: Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân”, Quyết định số 1824/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau nêu.
Sự việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa án, thế nhưng UBND tỉnh Cà Mau “giành” quyền giải quyết khiến người dân phải ròng rã nhiều năm trời đi kiện quyết định của UBND tỉnh ban hành.
Do quyết định hành chính mà ông Đen khởi kiện không còn nên ông Đen làm đơn yêu cầu bồi thường tổng các khoản thiệt hại là hơn 2,8 tỷ đồng do cưỡng chế thực hiện Quyết định số 310 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Trong đó, vợ chồng ông Đen cho rằng thiệt hại do không cải tạo vuông tôm trong 14 năm, gây thất thu hơn 2,4 tỷ đồng.
Ngày 4/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có Công văn giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu nội dung đơn của ông Đen; rà soát, đối chiếu với quy định pháp luật. Trên cơ sở đó báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý đơn.
Bình luận