Chiều 14/3, một số nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam cho biết việc khôi phục tuyến cáp APG có thể hoàn tất vào ngày 11/4, tức gần một tháng nữa.
Tuyến này gặp sự cố từ cuối tháng 2, và trong khi một nhánh đã được khắc phục từ ngày 7/3/2019, thì sự cố trên nhánh cáp hướng đi Malaysia hiện vẫn chưa xác định nguyên nhân, dẫn đến tình trạng sửa chữa kéo dài.
Trong khi đó, tuyến cáp biển khác là tuyến Liên Á (IA) cũng tới lịch bảo dưỡng 10 ngày, từ 20/3 đến 1/4, gây mất dung lượng trên toàn bộ tuyến. Sau đó, việc sửa chữa từ BU3 đến BU6 của tuyến này cũng vẫn được tiếp tục tới ngày 20/4, nhưng chỉ ảnh hưởng từng nhánh nhất định.
Các ISP cho biết, họ đã biết trước lịch trình nên đều có phương án dự phòng để hạn chế mức độ ảnh hưởng tới khách hàng. Tuy nhiên, với việc hai tuyến cáp APG và IA cùng không sử dụng được sẽ tạo một áp lực lớn lên các nhà mạng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Các chuyên gia nhận định, người dùng Internet trong nước sẽ không tránh khỏi việc cảm thấy kết nối Internet bị chậm đáng kể trong giờ cao điểm.
Tuyến cáp APG có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, được đầu tư bởi các doanh nghiệp quốc tế và bốn công ty Việt Nam gồm FPT, VNPT, Viettel và CMC. Với băng thông tối đa lên đến 54 Tb/giây, đây là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất hoạt động tại châu Á.
Từ đầu năm 2019, các tuyến cáp quang biển quốc tế liên tục gặp sự cố, như đầu tháng 1, hệ thống IA bị lỗi nguồn ở Singapore, hay tuyến cáp AAE-1 bị đứt ngày 13/2 và tới 6/3 mới sửa xong.
Bình luận