- Hiện nay nhiều phim hài Tết với những tình huống hài phản cảm, diễn viên khoe thân, thậm chí có những cảnh mà khán giả phải thốt lên “giống phim khiêu dâm” đang tràn lan trên thị trường. Là người làm văn hóa, ông cảm thấy thế nào?
Tình trạng hài nhảm, hài khiêu dâm diễn ra nhiều làm cho những người làm về văn hóa rất buồn. Xã hội thiếu các tác phẩm hay, có giá trị định hướng thẩm mỹ cho con người, trong đó thừa với các tác phẩm nghệ thuật phản cảm, nặng về câu khách và chiều theo thị hiếu tầm thường. Để xảy ra điều này là có một phần trách nhiệm của những người trong ngành văn hóa.
Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm rất lớn của mình trong việc định hướng thị hiếu nghệ thuật cho công chúng. Chúng tôi chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình như mong đợi của xã hội.
Đây chính là những bài học để chúng tôi có thêm quyết tâm trong việc cần phải phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới, giúp văn hóa nước nhà phát triển trong thời kỳ hiện nay.
- Mới đây, ông có một bản tham luận đáng chú ý trong Hội nghị tổng kết của ngành văn hóa. Trong đó, ông khẳng định vấn đề đạo đức xã hội của chúng ta đang ở mức báo động.
Những con số không bao giờ biết nói dối. Khi viết bài về sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, tôi đã phải sử dụng google để theo dõi thực trạng này và kết quả 16.800.000 kết quả trong chỉ 0,62 giây (17h09 ngày 25/6/ 2018) cho từ “đạo đức xã hội xuống cấp” khiến chính bản thân tôi cũng phải giật mình.
Đây chính là báo động đỏ cho tình trạng xuống cấp đạo đức trong xã hội. Chúng ta cũng có thể thấy thực trạng này hàng ngày trên hầu hết các mặt báo. Sự xuống cấp đạo đức cũng tồn tại trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Cũng trong bản tham luận trên, ông đánh giá cao vai trò của nghệ thuật đối với việc xác định những giá trị mới của xã hội. Vậy theo ông, những bộ phim hài tục, hài nhảm, hài khiêu dâm liên tục ra mắt vào dịp Tết với những cái nhìn sai lệch, dung tục ảnh hưởng thế nào đối với định hướng thẩm mỹ và hơn cả là đạo đức xã hội?
Đây không phải là những nhận định mới mẻ. Trên thực tế, cha ông chúng ta đã phát huy rất tốt vai trò của nghệ thuật trong việc định hướng phát triển văn hóa. Thông qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, rối nước hay thơ, ca, hò, vè, các bài học giáo huấn đạo đức được lan tỏa trong xã hội, giúp ổn định đạo đức, lối sống trong nhân dân.
Như tôi đã từng phát biểu, bối cảnh xã hội hiện nay không cho phép chúng ta chỉ dùng những biện pháp cũ cho bối cảnh mới nhưng chúng ta cũng có thể học được cha ông mình ở những nguyên tắc căn bản: Đó là phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc lan tỏa cái tốt, bài trừ cái xấu, tạo ra sức đề kháng về văn hóa cho toàn xã hội.
Những bộ phim hài nhảm không đi theo con đường này. Đây không phải là những tác phẩm tốt, có tác dụng định hướng sự phát triển đạo đức trong xã hội, mà đôi khi là ngược lại. Hài có nhiều loại hài. Tiếng cười cũng có nhiều loại tiếng cười. Nếu cái hài là tiếng cười để phê phán thói hư, tật xấu thì nó sẽ góp phần làm cho xã hội tốt hơn. Nhưng nếu nó là hài nhảm, tục tĩu thì nó chỉ khiến cho cái xấu lan xa.
Khi chúng ta nói đến thị hiếu thẩm mỹ, chúng ta muốn định hướng con người đến với những giá trị chân – thiện - mỹ. Việc dẫn dắt con người đến với những giá trị này rất quan trọng.
Nghệ thuật chân chính giúp tạo môi trường để con người trở nên tốt đẹp hơn. Khi nghệ thuật xa rời mục đích đó, nghệ thuật sẽ làm méo mó sự phát triển nhân cách của con người. Như thế, hài nhảm sẽ khiến cho thị hiếu thẩm mỹ của khán giả bị ảnh hưởng tiêu cực, và khiến việc xây dựng đạo đức xã hội bị lệch hướng.
- Có người cho rằng, hài nhảm, hài tục giống như thực phẩm bẩn. Ông nghĩ sao về sự ví von này?
Chắc chắn sẽ có người nói không có hài nhảm, và lấy lý do nhu cầu đa dạng của công chúng để làm bình phong cho nhận định này. Tuy nhiên, với tôi, những cách gây cười tục tĩu bằng cả ngôn ngữ và động tác hình thể chính là biểu hiện rõ nhất của hài nhảm.
Không thể lấy lý do đã là sản phẩm hàng hóa thì phải đáp ứng nhu cầu của thị trường để bào chữa cho việc sản xuất ra các sản phẩm dung tục, đi ngược lại các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Sản phẩm văn hóa là sản phẩm hàng hóa nhưng có lôgic đặc thù. Không thể lấy lý do đã là sản phẩm hàng hóa thì phải đáp ứng nhu cầu của thị trường để bào chữa cho việc sản xuất ra các sản phẩm dung tục, đi ngược lại các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Văn hóa nghệ thuật có liên quan đến hệ thống các giá trị, đạo đức, tư tưởng, lối sống của một cộng đồng hay cả dân tộc. Tất cả đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử và trở thành vốn quý của cả dân tộc, giúp dân tộc trường tồn và phát triển.
Hài nhảm nói chung và hài Tết nhảm nói riêng như một thứ virus len lỏi, đi ngược lại với trào lưu chính. Nếu chúng ta không cẩn thận, nó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, đặc biệt giới trẻ, từ đó gây nên những đợt “cúm” cho toàn xã hội. Lên án cái xấu, cái không phù hợp cũng là một hình thức bảo vệ cái tốt.
- Hài nhảm, hài tục, hài khiêu dâm hiện nay còn được phát triển trên internet, trên mạng xã hội. Ông nghĩ nó sẽ tác động tới lượng người xem như thế nào?
Rõ ràng, hài tục khó có thể được phát hành qua các kênh truyền thông chính thống vì vậy các phương tiện truyền thông mới đang là môi trường để phát tán hài nhảm.
Với khoảng 60 triệu người dùng mạng xã hội như facebook, và trung bình hơn 2 tiếng sử dụng/1 ngày. Hài nhảm, hài tục về lý thuyết, có thể có cơ hội tiếp cận với số đông người sử dụng này và khiến chúng ta lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với thị hiếu của người sử dụng.
Tuy nhiên, tôi tin bên cạnh những người thích những tiếng cười dễ dãi vẫn có những người cẩn trọng hơn trong việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật trên mạng.
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để hạn chế hài nhảm, hài tục, hài khiêu dâm?
Có mấy điều cần lưu ý ở đây là: Thứ nhất, muốn hạn chế cái xấu thì phải tạo ra nhiều cái tốt. Khi chúng ta có nhiều tác phẩm hài hay, có ý nghĩa giáo dục, thu hút sự quan tâm của khán giả thì khán giả sẽ quay lưng lại với hài nhảm.
Hài nhảm sẽ không có chỗ đứng nếu chúng ta có nhiều tác phẩm nghệ thuật hay, nhiều tiếng cười có giá trị không chỉ giúp con người sảng khoái, thoát khỏi những giây phút căng thẳng trong cuộc sống và công việc, mà còn giúp hình thành nhân cách, lối sống của con người, và đặc biệt là khi chúng ta, các phương tiện truyền thông đã có phê phán, định hướng đúng với việc tránh xa hài nhảm.
Thứ hai là nâng cao nhận thức của mọi người, trong đó có các văn nghệ sĩ, về giá trị của nghệ thuật, từ đó tạo ra sức đề kháng của mỗi người đối với việc tiếp nhận, sáng tác văn học nghệ thuật nói chung, tác phẩm hài nói riêng.
Thứ ba là hình thành cơ chế giải thưởng cho các tác phẩm hài có chất lượng, giúp định hướng thị hiếu thẩm mỹ, từ đó khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm hài hay, giúp xây dựng đạo đức trong xã hội.
- Trong buổi tổng kết ngành văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm thấy buồn khi đứng trước những vấn đề của lĩnh vực văn hóa, gần như không thấy người làm văn hóa lên tiếng. Vậy tiếng nói của cơ quan quản lý nằm ở đâu khi để xảy ra tình trạng hài nhảm, hài tục, hài khiêu dâm nở rộ như hiện nay?
Thực ra, ngành văn hóa cũng đã có những tiếng nói nhất định trước các hiện tượng phản cảm trong xã hội, tuy nhiên, đúng như Phó Thủ tướng đã nói, ngành văn hóa cần bài bản và chủ động hơn, tiếng nói cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn đối với những vấn đề phản cảm đó để định hướng dư luận và nhận thức thẩm mỹ của người dân.
Chúng ta đang sống trong một xã hội thông tin, trong đó đặc biệt là sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, với mạng xã hội, khiến cho hầu như tất cả mọi người, bằng cảm nhận và phông kiến thức riêng của mình, đều có thể lên tiếng và đưa ra những bình luận khác nhau về các vấn đề xã hội.
Chính vì vậy, để tránh những rối loạn trong thông tin và định hướng nhận thức, ngành văn hóa nên phải nhanh chóng, chủ động, tích cực đưa ra những thông điệp giúp hạn chế những tiêu cực đang xảy ra trong xã hội. Đây chính là tiếng nói cần thiết của ngành văn hóa đối với hiện tượng hài nhảm, hài tục.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
Bình luận