Nhờ dữ liệu từ Đài quan sát vô tuyến Thung lũng Owens ở Bắc California, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California phát hiện một blazar được đặt tên PKS 2131-021. Blazar là các hố đen siêu lớn với các tia phản lực hướng về Trái đất.
PKS 2131-021 đặc biệt ở chỗ độ sáng của nó thay đổi đều đặn như tiếng tích tắc của đồng hồ.
Nhóm nghiên cứu tin rằng sự biến đổi thường xuyên này là kết quả của việc một hố đen kéo mạnh hố đen khác khi chúng quay quanh nhau cứ hai năm một lần. Điều này đồng nghĩa PKS 2131-021 là cặp hố đen chia sẻ quỹ đạo nhị phân.
Hai hố đen này thực tế đã di chuyển đều đặn về phía nhau trong khoảng 100 triệu năm qua.
Theo các nhà nghiên cứu, khi 2 hố đen va chạm với nhau và hợp nhất trong 10.000 năm nữa, chúng làm xáo trộn cấu trúc của không gian và thời gian, phát ra các sóng hấp dẫn khắp vũ trụ.
PKS 2131-021 là cặp siêu hố đen thứ hai bị "bắt gặp" trong tình trạng chuẩn bị hợp nhất. Mỗi hố đen trong PKS 2131-021 ước tính có khối lượng gấp vài trăm triệu lần khối lượng Mặt trời của chúng ta.
"Công việc này là minh chứng cho tầm quan trọng của sự kiên trì. Phải mất 45 năm quan sát sóng vô tuyến mới cho ra kết quả này", nhà khoa học Joseph Lazio tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) ở Nam California cho biết.
Bình luận