Loại tên lửa mới của Trung Quốc có tên DF-21D, là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới. Nó được thiết kế để phóng đi từ các bệ phóng di động và có tầm bắn tối đa 1.500 km.
Quân đội Trung Quốc cũng tin rằng, với sự giúp đỡ của hệ thống vệ tinh Beidou mới ra đời sẽ khiến cho độ chính xác của các tên lửa được cải thiện đáng kể.
Trung tướng Ronald Burgess, giám đốc Cơ quan tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội Trung Quốc có thể đã sẵn sàng đưa các tên lửa này đến bờ biển của nó, nơi mà theo trang Bloomberg đã có 1.200 tên lửa tầm ngắn đang hướng về phía Đài Loan.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2012 có liên quan Trung Quốc đã nhắc đến việc nước này có thể sử dụng DF-21D để tấn công các tàu lớn, đặc biệt là tàu sân bay ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương.
DF-21D của Trung Quốc, tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới |
Với hệ thống dẫn đường khá tiên tiến, DF-21D có thể nhắm vào các mục tiêu trọng yếu trên tàu sân bay như sàn đáp, máy nén thủy lực hỗ trợ cất cánh hoặc tháp chỉ huy.
Sau khi báo cáo của Lầu Năm Góc xuất hiện, quân đội Mỹ đã lập tức nghiên cứu phương pháp vô hiệu hóa và đánh lừa hệ thống dẫn đường của DF-21D.
Hải quân cũng đã đưa ra yêu cầu với Bộ Quốc phòng để tăng gấp đôi ngân sách dành cho tàu sân bay, từ 781 triệu lên 1.6 tỉ USD mỗi năm.
Số tiền này sẽ được dùng để tăng khả năng phòng thủ và nâng cấp các hệ thống khác của tàu sân bay.
Mark Gunzinger, nhà phân tích của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Hải quân Mỹ cho biết, điều lo ngại nhất hiện nay của họ là các tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc và Iran có thể khiến cho các tàu sân bay Mỹ khó tiếp cận mục tiêu hơn trước đây.
Để giải quyết vấn đề này, Hải quân Mỹ đã tìm cách phối hợp tàu sân bay với các máy bay do thám, hệ thống cảm biến, radar, hệ thống phòng thủ tên lửa và các máy bay đánh chặn.
Tùng Đinh
Bình luận