Theo CNN, Trong các cuộc trao đổi nội bộ trong quân ngũ Mỹ, nhiều người đã và đang tiếp tục tỏ ra lo lắng trước các hành động không thể đoán định của Tổng thống Trump. Nhưng không một quan chức nào được phép lên tiếng về điều đó trước công chúng vì luật quân đội cấm chỉ trích Tổng thống đương nhiệm.
Lo lắng không chỉ nằm ở các quyết định khó lường của nhà lãnh đạo Mỹ khiến nhiều quan chức chóp bu trong quân đội phải đứng ngoài cuộc, mà còn nằm ở lo ngại tham vọng chính trị hóa quân đội của Trump, điều mà ông đang cho thấy rõ khi nỗ lực thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình bằng các biện pháp mạnh tay với làn sóng nhập cư và yêu cầu xây bức tường biên giới.
Quyết định rút quân khỏi Syria và tuyên bố đã đánh bại IS của Tổng thống Trump buộc các chỉ huy quân đội Mỹ miễn cưỡng tuân thủ dù không hề đồng tình. Vụ tấn công tự sát hôm 16/1 ở Manbij, miền Bắc Syria khiến một số nhân viên quân sự Mỹ thiệt mạng đặt ra câu hỏi liệu quyết định rút quân của ông Trump có thể khiến IS hoặc các nhóm chiến binh khác khai thác lỗ hổng và tiếp tục tấn công lực lượng Mỹ hay không.
Một số chỉ huy cấp cao nói rằng bầu không khí bên trong Lầu Năm Góc đang trở nên hết sức bức bối sau khi ông chủ Nhà Trắng tỏ rõ khuynh hướng sử dụng quân đội để đạt mục tiêu của mình.
Nhiều người lo lắng rằng nếu các chỉ huy yêu cầu quân đội phải thực hiện một nhiệm vụ vì lý do chính trị hơn là an ninh quốc gia, bản chất cơ bản của quân đội Mỹ sẽ thay đổi. Quyết định điều quân tới biên giới của Tổng thống Trump là một ví dụ và nếu ông quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có quyền truy cập vào quỹ của Lầu Năm Góc nhằm xây bức tường mà đảng Dân chủ nhất mực phản đối, mọi việc thậm chí sẽ còn phức tạp hơn nhiều.
Theo CNN, các nhân viên quân sự hàng đầu của Lầu Năm góc không được thông báo nhiều hơn về ý định của Tổng thống so với công chúng Mỹ là bao. Tối 8/1, trước khi ông Trump có bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình về cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh ở biên giới, nhiều quan chức Lầu Năm Góc không nắm rõ ông sẽ nói gì và sẽ làm gì. Vì vậy, họ phải chuẩn bị sẵn một tuyên bố báo chí phụ thuộc vào các diễn biến trên truyền hình.
Một sỹ quan quân đội Mỹ nói với CNN rằng các quyết định có phần bốc đồng của Tổng thống Trump đang khiến việc lên kế hoạch cho các chiến dịch trở nên khó khăn hơn và gây ra những rủi ro đối với lực lượng quân đội Mỹ.
“Chúng tôi có thể nhảy cao bao nhiêu theo ý của Tổng thống, nhưng chúng tôi cần biết ông muốn chúng tôi làm gì? Rủi ro mà ông sẵn sàng đánh đổi là bao nhiêu”, ông này nói.
Đưa quân đội lên sân khấu chính trị
Một trong những quan tâm hàng đầu của các quan chức Lầu Năm Góc hiện nay là Tổng thống Trump đang cố gắng sử dụng quân đội như một công cụ cho các mục đích chính trị của mình.
Trong các cuộc điện thoại cho quân đội trong ngày lễ Tạ ơn, ông phàn nàn về các vấn đề chính trị như nhập cư, thẩm phán liên bang cũng như việc nhiều quốc gia trên thế giới đang lợi dụng Mỹ.
Trong chuyến công du gần đây tới Iraq và Đức, ông tới thăm quân nhân Mỹ đóng tại đó và ký những chiếc mũ với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa”.
“Tổng thống đang cố gắng cho thấy quân đội đứng về phía ông ấy. Cách Tổng thống nói mang một giả định rằng quân đội ủng hộ mọi thứ ông ấy làm gây hại theo nhiều cách”, Trung tướng về hưu Mark Hertling nói với CNN.
Nó có thể làm xói mòn niềm tin của người Mỹ tin vào một lực lượng quân đội miễn nhiễm với chính trị và nguy hiểm hơn là đặt ra những tiền lệ để các tổng thống tiếp theo làm điều tương tự và thậm chí còn nhiều hơn thế, theo vị tướng Mỹ.
Ông Hertling, người từng có 37 năm phục vụ trong quân đội Mỹ nói rằng ông đã nghe nhiều đồng nghiệp bày tỏ quan ngại khi Tổng thống Trump điều 5.000 binh sỹ tới biên giới với Mexico vào tháng 11/2018 để ngăn chặn cái mà ông gọi là “cuộc xâm lược” của những người tị nạn tới từ Trung Mỹ.
Cách Bộ trưởng Mattis ra đi
Một số quan chức Lầu Năm Góc đã hết sức thất vọng và xuống tinh thần về cách Tổng thống Trump xử lý lá đơn từ chức của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người quyết định rời đi sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump.
Trong cuộc họp nội các đầu tháng 1, ông Trump nói rằng ông về cơ bản đã sa thải ông Mattis vì không hài lòng với những gì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã làm ở Afghanistan.
Trong vài tuần gần đây, Tướng bốn sao Stanley McChrystal và Đô đốc Hải quân William McRaven, 2 sỹ quan hết mực được kính trọng trong quân đội Mỹ quyết định nghỉ hưu sau khi đưa ra các tuyên bố chỉ trích Tổng thống Trump.
“Tôi muốn làm việc với những người mà về cơ bản tôi nghĩ là họ trung thực. Quân đội thường nói về việc là nếu bạn rơi vào tình huống quân sự khó khăn, nhà lãnh đạo sẽ hy sinh bản thân và những người khác để đến với bạn. Tôi phải tin rằng người tôi đang làm việc cùng sẽ làm điều đó, cho dù chúng tôi không đồng ý với nhiều thứ khác. Nhưng tôi không nhìn thấy điều đó hiện nay”, ông McChrystal nói.
Theo CNN, khi ông Trump lên nắm quyền, nhiều sỹ quan quân đội đã đặt rất nhiều niềm tin vào ông. Họ hy vọng ông sẽ trao cho họ nhiều quyền tự chủ hơn và không quản lý tới từng ngóc ngách như cách Tổng thống Obama đã làm. Nhưng họ đã phải thất vọng.
Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ không còn chấp nhận người chuyển giới trong quân đội chỉ qua một dòng tweet. Ông cũng bất ngờ cho biết sẽ dừng các cuộc tập trận quy mô lớn trên bảo đảo Triều Tiên, điều mà nhiều chỉ huy Mỹ chưa sẵn sàng và chưa được thông báo.
Trong lịch sử thế giới, nhiều nhà lãnh đạo từng sử dụng lực lượng vũ trang để nhấn mạnh quyền lực của mình cũng như vị trí tổng tư lệnh quân đội. Nhưng cách Tổng thống Trump đang làm dường như rất khác biệt, theo CNN.
Bình luận