Hai năm xạ trị vẫn lạc quan, yêu đời
Trương Thị Thanh Huyền là cái tên mà ai ở trường THPT Nam Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng biết bởi nghị lực đấu tranh với căn bệnh ung thư hạch bạch huyết và vươn lên trong học tập.
Huyền ở với bà nội bao nhiêu năm nay, vì ba mẹ phải đi làm ăn xa |
Theo lời kể của bà nội, Huyền gầy đi nhiều so với khi chưa điều trị. Thế nhưng, trên môi em lúc nào cũng bắt gặp nụ cười lạc quan yêu đời.
Nói chuyện với chúng tôi, Huyền không ngần ngại chia sẻ: “Em phát hiện bị ung thư hạch bạch huyết sau khi thi vào lớp mười. Trước đó do sờ vào cổ thấy nổi hạch nhưng em chỉ nghĩ nổi hạch bình thường. Lại đang trong thời gian ôn thi nên em không đi kiểm tra.
Sau khi thi xong em đi khám và được chẩn đoán là bị ung thư hạch bạch huyết. Lúc đó em rất buồn chán, hoang mang. Trong suy nghĩ của em từ trước tới nay ung thư là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và vô phương cứu chữa. Nhưng nhờ nhận được sự động viên chăm sóc của bố mẹ và họ hàng em bắt đầu với quá trình điều trị”.
Huyền phải bỏ học một năm để lên Hà Nội điều trị ung thư trong Bệnh viện K. Trong đó em phải mổ lấy hạch lần một, truyền hóa chất bốn đợt, mỗi đợt hai lần và xạ trị 2 lần.
Dấu tích để lại của quá trình điều trị là vết sẹo ở cổ và vùng da bị cháy do xạ trị ở trước ngực và sau lưng. Nhưng ung thư thì đâu dễ khỏi ngay được? Em sẽ phải sống cùng với căn bệnh này đến suốt đời.
Nhà Huyền là hộ nghèo, bố mẹ không có nghề nghiệp ổn định nên tiền chữa trị cho em đều vay mượn.
Bố Huyền làm việc trong Đà Nẵng, còn mẹ đi bán hàng rong ở Hà Nội. Nhà chỉ có 3 bà cháu nương tựa vào nhau. Mỗi lần muốn đi khám bệnh, Huyền lại tự bắt xe lên Hà Nội, nhờ cậu hoặc dì đưa đi khám. Thỉnh thoảng mẹ mới đưa em đi được.
“Bố mẹ nó kiếm tiền chỉ đủ nuôi hai chị em ăn học. Giờ con bé bị bệnh như thế lấy đâu ra tiền để chữa trị. Toàn tiền vay mượn của anh em họ hàng, chú bác. Tính sơ qua tiền điều trị cho nó đến giờ là hơn 270 triệu đồng, đều là tiền vay mượn” - Bà nội Huyền tâm sự.
Bị bệnh nặng, lại phải tự lập lo cho cuộc sống của mình, song Huyền không trách ba mẹ, mà trái lại, cảm giác thường trực của Huyền là thương bố mẹ hơn khi mình trở thành gánh nặng. Chính vì vậy, để bố mẹ nhẹ bớt gánh nặng, Huyền dồn hết tâm sức vào học hành.
Nghỉ học một năm vẫn là học sinh giỏi
|
Thật khâm phục khi căn bệnh tàn phá sức khỏe hằng ngày song Huyền lại sở hữu một bảng thành tích khá đáng nể khi 10 năm liền là học sinh giỏi.
Sau khi điều trị, bác sĩ nói trí nhớ của Huyền sẽ bị giảm sút do tiêm hóa chất nhưng không vì thế mà thành tích họa tập của Huyền giảm sút. Năm học vừa qua, điểm tổng kết của Huyền đạt 8,7, một kết quả mà bạn bình thường còn khó mới đạt được.
Để làm được điều này, Huyền đã phải đấu tranh không ngừng với căn bệnh quái ác.
Huyền kể: “Vì bỏ mất một năm nên kiến thức của em cũng mất đi nhiều. em luôn ý thức các bạn nỗ lực 1 thì em phải cố gấp 10 để có thể theo kịp các bạn. Có những hôm em thức khuya học bài mà mệt quá ngủ quên lúc nào không hay.
Đợt nào mới đi kiểm tra và điều trị về, việc học rất mệt. Ngồi vào bàn học mắt hoa lên vì tác dụng của thuốc và bỏng rát ở vùng da xạ trị. Những lúc đó em thấy bất lực và rất muốn bỏ cuộc.
Có lần vì rát quá em đã gục xuống giường. Bố mẹ không có nhà và bà cũng đã già nên những lúc như thế em chỉ biết tự ngồi dậy, không nói cho ai biết để mọi người yên tâm”.
Mặc dù phải chiến đấu với căn bệnh nan y nhưng Huyền vẫn ước mơ thi vào trường đại học Y Hà Nội hoặc khoa kiểm toán của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ước mơ này là động lực giúp Huyền tiếp tục đến trường.
“Em muốn thi vào hai trường đó và sau này muốn tự mình kiếm được công việc ổn định, tự nuôi sống được bản thân để bố mẹ đỡ vất vả” – Ánh mắt Huyền lấp lánh.
Đỗ Hương
Bình luận