Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngày 27/1 cho hay, bệnh nhân quê Thanh Hóa. Khi vào viện, ngoài dấu hiệu bị nhiễm trùng, sốt cao rét run, chị còn có nhịp tim tăng rất cao, tử cung đau đớn.
Ối đã cạn từ trước khi vào viện nên tính mạng của sản phụ và sức khỏe thai nhi bị đe dọa.
Ê-kíp của bác sĩ Thành ngay lập tức phẫu thuật bắt con, giữ an toàn cho hai mẹ con. Ca mổ may mắn thành công. Tuy nhiên, em bé chào đời bị rối loạn nhịp thở, thở nhanh, nhiễm trùng sơ sinh nên phải nằm điều trị tại viện. Sản phụ do bị nhiễm trùng phải điều trị kháng sinh một tuần sau đó. Hết Tết, hai mẹ con ổn định, ra viện.
Sản phụ cho hay, chồng chị là người rất mê tín, luôn cho rằng sinh con nên tránh những ngày "năm cùng tháng tận" không may mắn, khó nuôi. Hơn nữa, nếu sinh vào cuối năm, con lại phải "chịu" thêm một tuổi của năm cũ nên động viên vợ cố chờ, qua Giao thừa, đúng giờ đẹp ngày đẹp của năm mới hẵng sinh con cho may mắn.
Vì thế, dù ngày dự sinh của vợ vào giáp Tết, thậm chí chiều 29 Tết vợ anh vỡ ối nhưng anh vẫn kiên quyết không đưa vợ đến viện. Chị phải nằm “treo chân” tại nhà, bất động để tránh sinh sớm. Đến lúc xung quanh rộn ràng lời chúc mừng năm mới khi vừa qua khoảnh khắc giao thừa, anh mới vội đưa vợ đến viện.
Khi vợ được đẩy thẳng vào phòng mổ cấp cứu, còn anh nghe lời phân tích của nhân viên y tế về tình hình nguy kịch của vợ và nguy cơ của em bé, anh mới thấy ân hận.
Vì "giờ đẹp, ngày đẹp", nhiều gia đình cố xin bác sĩ cho sinh sớm hoặc trì hoãn cho qua ngày mùng 1 hay ngày rằm, nhất là các gia đình lựa chọn sinh mổ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay ông và đồng nghiệp gặp không ít thai phụ dù có những dấu hiệu nặng như tiền sản giật, nguy cơ mất mạng, mất con, vẫn cố xin trì hoãn chờ qua mùng 1 (Âm lịch) mới phẫu thuật.
Ngoài ra, nhiều trường hợp có tiền sử mổ lấy thai 2-3 lần, chuyển dạ có cơn co nhiều nhưng bệnh nhân vẫn cố tình trì hoãn để được "giờ đẹp" hoặc sang ngày mới bởi thầy bói "phán" ngày vào viện là ngày xấu. Trong khi đó, hành động này có thể gây nứt, vỡ tử cung.
Bác sĩ Đạo và các đồng nghiệp phải thuyết phục, không để những người ít hiểu biết về y khoa quyết định sự an toàn hay tính mạng của mẹ và bé.
Bác sĩ Thành cho hay cứ vào những ngày cuối năm, ông lại nhận được nhiều lời đề nghị của các mẹ bầu về việc tạo điều kiện "cho em sinh trước Tết". Như năm nay, nhiều sản phụ muốn sinh con năm Nhâm Dần 2022 mà không muốn sinh con năm Quý Mão 2023.
"Hầu hết các sản phụ xin mổ đẻ sớm thường ở 2 thời điểm, mổ sớm trước Tết Dương lịch hoặc mổ sớm trước Tết Nguyên Đán Âm lịch. Trong đó, nhiều thai phụ đề nghị mổ sớm trước Tết Nguyên đán hơn vì họ muốn kỳ nghỉ dài này được thoải mái ăn Tết vui vẻ bên gia đình", vị bác sĩ chia sẻ.
Thực tế, theo bác sĩ Thành, nếu mổ đẻ sớm, bé sinh non sẽ đối diện với các nguy cơ về sức khỏe như suy hô hấp. Những trẻ này phải theo dõi dài ngày tại các khoa chăm sóc đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của các bé sau này.
Còn với người mẹ, khi sinh mổ sớm trước 39 tuần, cũng phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, nhau bám vết mổ hoặc nguy cơ sinh non trong lần mang thai tiếp theo…
Bình luận