Chảy máu đường mật vì sán lá gan
Chia sẻ về một trong những ca bệnh hiếm gặp do sán lá gan gây ra, bác sỹ Huỳnh Hồng Quang, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn Trùng Quy Nhơn cho biết ông đã từng tiếp nhận bệnh nhân nữ Trần Thị H. (52 tuổi) đến viện với cơn đau vùng thượng vị mũi ức, đau lan ra sau lưng, nhức mỏi lên vai phải, đặc biệt đau nhiều hơn sau khi ăn. Bệnh nhân buồn nôn và nôn 2 lần, chán ăn, khó chịu tại vùng bụng.
Sau khi thăm khám, các bác sỹ xác định bệnh nhân sốt nhẹ 38oC, mạch: 74 lần/ phút; huyết áp: 100/75mmHg, đôi khi có cơn rét run, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn nhưng không nôn, đau nhiều khi thăm khám ấn chẩn vùng bụng; vùng đầu tụy ống mật chủ đau, tức. Da bệnh nhân vàng nhạt, có thể do thiếu máu, các cơ quan khác chưa phát hiện bệnh lý gì đặc biệt.
Xét nghiệm cận lâm sàng với công thức máu toàn phần thấy thiếu máu nhẹ, đa nhân trung tính tăng, đặc biệt trị số bạch cầu ái toan không cao.Siêu âm bụng tổng quát cho thấy kích thước gan, lách, tụy, thận trong giới hạn cho phép. Nội soi tiêu hóa có hình ảnh viêm, xung huyết niêm mạc dạ dày.
Đặc biệt, sau khi chụp CT, nhu mô gan bình thường, hình ảnh ống mật chủ có bít tắc bởi một vật nghi ngờ ký sinh trùng giun, sán.,Nội soi mật tụy ngược dòng, bác sỹ nhận thấy thành ống mật chủ dãn và đường kính khoảng 1.2cm, phát hiện một vật thể không bình thường.
‘Khi chúng tôi thực hiện cắt cơ thắt thì phát hiện rất nhiều sán lá chết tại đó và chúng được lấy ra. Sau thủ thuật, các triệu chứng bệnh nhân giảm đi đáng kể, định loại sán lá gan Fasciola’, bác sỹ Quang cho hay.
Ngoài ra, các bác sỹ cho làm miễn dịch chẩn đoán ELISA, phát hiện bệnh nhân dương tính với sán lá.
"Sau 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện chảy máu tiêu hóa trên, chúng tôi cho kiểm tra cấp cứu nội soi cho thấy chảy máu, sau khi nội soi thăm khám quyết định chuyển sang mổ bụng cấp cứu. Sau đó bệnh nhân nằm viện 24 ngày chăm sóc vết mổ, uống thuốc và kiểm tra sau phẫu thuật, và hoàn toàn bình phục", bác sỹ Quang cho biết thêm.
Theo bác sỹ Quang, đây là ca bệnh sán lá gan lớn Fasciola gigantica gây biến chứng ứ mật và chảy máu đường mật.
Sán lá gan lớn đục thủng gan
Tại các quốc gia nhiệt đới, nhiễm ký sinh trùng ở đường mật là một nguyên nhân thường gặp gây tắc mật và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm đường mật-túi mật, viêm tụy do các lọai sán lá, trong đó có sán lá gan lớn. Sán lá gan lớn thường di chuyển, gây bệnh ở nhu mô gan và định cư tại đường mật gây viêm.
Bệnh nhân bị sán lá gan lớn 'tấn công' có thể xuất hiện các triệu chứng bất thường ở gan như áp xe đa ổ, chùm áp xe lớn nhỏ xen kẻ hoặc hoại tử nhu mô gan, tạo dạng “hang, hốc dịch và đường hầm”. Ở đường mật, sán xâm nhập vào đường mật trong gan lẫn ngoài gan và túi
mật, đôi khi nhìn thấy vật thể di động tự phát và có thể gây biến chứng, viêm túi mật, viêm đường mật, vàng da do tắc mật và cơn co thắt quặn mật. Viêm tụy và ca chảy máu đường mật trên là một trong những biến chứng rất hiếm gặp.
Về sự xâm nhập của sán lá gan, bác sỹ Quang giải thích, nhiễm sán lá gan lớn thường diễn tiến 2 giai đoạn lâm sàng: giai đoạn cấp tính là lúc mà sán xâm nhập vào nhu mô gan và giai đoạn mãn tính khi chúng xâm nhập vào hệ đường mật.
Sau khi tiêu hóa các thức ăn như rau thủy sinh hoặc gan sống có nhiễm ấu trùng, sán lá gan lớn sẽ từ tá tràng đến khoang phúc mạc, đục thủng bao gan hoặc đến đường mật thông qua đường máu và hệ bạch huyết.
Sau khi đến đường mật, thích hợp cho sán phát triển thành sán trưởng thành. Như vậy, trong giai đoạn đầu khi sán mới xâm nhập, bệnh nhân thường biểu hiện sốt, đau hạ sườn phải, gan lớn, tăng bạch cầu và do các dấu hiệu này na ná có trong các bệnh khác nên các nhà lâm sàng thường không chú ý.
Các triệu chứng nổi mày đay và ngứa tùy thuộc vào sự kháng nguyên và độc tố tiết của sán, giai đoạn tiếp theo có thể các triệu chứng giảm dần và mất hẳn, chuyển sang giai đoạn mãn tính, biểu hiện các triệu chứng của hệ đường mật, có ứ mật và viêm đường mật do sán định vị trong đường mật, các biến chứng xuất huyết hoặc thủng, loét như thế này là rất hiếm.
Video: Sán ký sinh lúc nhúc trong cá hồi mua ở siêu thị
Bình luận