Video: Đưa phóng xạ vào mũi khoan dầu trên biển
Hơn 12h đêm, như lời hẹn của TS Trương Hoài Nam, chúng tôi sẽ là những vị khách đầu tiên được chứng kiến cảnh đưa phóng xạ vào mũi khoan dầu.
Ánh đèn đêm trên sàn khoan sáng rực, nhóm công nhân khoan khoảng 10 người đang khẩn trương đưa các thiết bị khoan vào vị trí. Từ trong phòng điểu khiển khoan, kỹ sư Nguyễn Thanh Long đang dõi theo, giám sát chặt chẽ từng thao tác nhỏ của các công nhân. Vì chỉ sơ sểnh, một ống khoan bị lỗi trong quá trình lắp đặt có thể gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và tác hại khôn lường trong quá trình khoan.
Trước khi lắp đến các ống khoan có gắn các thiết bị điện tử phục vụ cho mũi khoan dưới giếng dầu, các công nhân khoan phải kết nối các ống khoan lại với nhau. Đường khoan có thể dài từ 3000 đến 4000m dưới lòng đất.
Như thường lệ, trước khi bắt đầu công việc quan trọng, kỹ sư Nguyễn Thành Long lại tập hợp anh em công nhân lại để dặn dò. Họ chụm đầu đứng giữa sàn khoan để nghe phổ biến những quy trình khi lắp mũi khoan, cảnh tượng này giống cách các cầu thủ bóng đá cùng thể hiện sự quyết tâm như trước khi vào trận quyết đấu.
Sau khi quán triệt công việc, ông Long cho anh em công nhân tản ra. Mỗi người một vị trí, công việc lắp ống khoan bắt đầu. Để tránh ảnh hưởng đến quá trình lắp đặt, người không có nhiệm vụ phải đứng cách xa vạch chỉ giới vàng trên sàn.
Từ phòng điều khiển khoan, viên kỹ sư lắp ống nói vọng qua loa phóng thanh để chỉ đạo công nhân. Với đôi bàn tay điều khiển cẩu khéo léo, từng ống khoan nặng hàng tấn được kết nối vào nhau. Những thiết bị chuyên dụng được vận hành bởi các công nhân lành nghề, nhịp nhàng, lắp rồi vặn.
Miệng giếng khoan từ từ mở ra, những ống khoan được chiếc cẩu nâng hạ đúng vị trí. Cứ mỗi một ống khoan hạ xuống, người nhóm trưởng phải ra để kiểm tra độ chính xác. Khi không có sai sót các công nhân khác mới được vào để vặn các ống lại với nhau.
Thao tác vặn ống cũng không đơn giản. Đó là một chiếc kìm điện khổng lồ, được vận hành bởi viên kỹ sư trong phòng điều khiển. Độ chặt nhẹ của các ống nối đều được đo bằng các thiết bị điện tử, với các chỉ số lực theo yêu cầu.
Trong phòng điều khiển khoan, TS Trương Hoài Nam nói vui với chúng tôi: “Lát nữa đến lúc lắp phóng xạ, anh chị nào chưa sinh con thì không nên xem. Anh chị nào có đủ 2 con rồi thì có thể bất chấp nguy hiểm…”
Tôi nghe nói thế cũng giật mình: “Em mới có một con thôi anh…”. Cả phòng khoan cười ồ.
Ông Nam chỉ cho tôi một thiết bị đo phóng xạ được đặt trong phòng điều khiển, nó cách miệng giếng độ 3m.
“Khi nguồn phóng xạ được đưa ra, thiết bị này sẽ phát ra tiếng kêu và thể hiện mức độ an toàn. Vị trí chúng ta đang đứng trong phòng khoan đạt tiêu chuẩn nên anh chị không phải lo” – ông Nam trấn an.
Theo ông Nam, ống khoan để đưa phóng xạ vào là một thiết bị đặc biệt, bên trong ống chứa những thiết bị cực kỳ tinh vi. Chất phóng xạ sẽ giúp phản hồi về việc đo đạc các tầng địa chất trong quá trình khoan để truyền lên mặt đất. Từ đó, các kỹ sư sẽ phân tích được cấu tạo của giếng khoan và phát hiện các vỉa dầu bên dưới, cũng như các sự cố để xử lý kịp thời.
Rồi thời khắc chúng tôi mong chờ nhất cũng đến, thùng thép dày đựng chất phóng xạ được 2 nam kỹ sư di chuyển ra khu vực giếng. Lúc này, kỹ sư Nguyễn Thanh Long yêu cầu toàn bộ công nhân di chuyển cách xa 3m để thực hiện việc lắp phóng xạ vào ống.
Từ trong phòng điều khiển, trước mắt chúng tôi là 2 nam kỹ sư trẻ từ 26 đến 30 tuổi đang mở thùng sắt để gắp phóng xạ ra ngoài.
Từng thao tác của các kỹ sư được thực hiện rất tỉ mẩn. Sau khi trang bị các thiết bị bảo hộ cần thiết, một nam kỹ sư dùng một cây gậy chuyên dụng để gắp phóng xạ sau đó di chuyển đến ống khoan.
Khoảng cách ngày càng gần khi nam kỹ sư tiến đến vị trí nắp đặt. Đột nhiên thiết bị cảm ứng nhận biết phóng xạ bỗng phát sáng rồi kêu ‘bip bip…”. Cả phòng điều khiển khoan lúc này bỗng im lặng.
Tôi nhún người lại, lùi thêm về phía sau độ 1m để theo dõi. Nam kỹ sư trẻ bên ngoài bắt đầu đưa cục phóng xạ vào trong ống ở vị trí được thiết kế sẵn. Theo quan sát, dù dùng gậy nhưng khoảng cách tối thiểu của người này có lẽ cũng chỉ hơn 1m.
Tôi thắc mắc việc này, TS Nam cho biết, mức độ tác động của nguồn phóng xạ này thực ra không lớn. Với thời gian lắp đặt nhanh và sử dụng gậy nên người lắp phóng xạ cũng không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, mỗi năm các kỹ sư này đều được đưa sang Mỹ để kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ của mình. Và chưa có trường hợp nào vượt ngưỡng cho phép.
Việc lắp đặt 2 cục phóng xạ diễn ra nhanh chóng trong khoảng 5 phút. Khi kết thúc công việc của mình trên sàn khoan, 2 kỹ sư trẻ phải nhanh chóng trở lại phòng làm việc để kiểm tra lại mức độ hoạt động của các thiết bị. Nếu có sự cố, các kỹ sư phải khắc phục ngay trước khi đưa tiếp ống khoan xuống biển.
Sau khi có khẩu lệnh của kỹ sư Nguyễn Thanh Long thông báo nhóm công nhân trở lại làm việc tôi mới thở phào.
Ông Long quay sang nhóm chúng tôi cười nói: “Vậy là đã mắt rồi nhé. Có nhiều người đi giàn nhiều lần nhưng cũng chưa ai có được cơ may như các bạn đâu. Cơ hội ngàn năm có một đấy nhé!”
Rời sàn khoan, TS Nam tiếp tục đưa chúng tôi tới phòng kiểm tra ống khoan, nơi hai chàng kỹ sư trẻ lắp phóng xạ đang kiểm tra thành quả.
Trong căn phòng container chật hẹp, hai kỹ sư phóng xạ Nguyễn Tiến Quỳnh và Phạm Nguyễn Thành Khoa tuổi đời chưa đầy 30 vẫn đang tiếp tục công việc của mình. Kỹ sư Khoa chăm chăm nhìn vào máy vi tính với các đường biểu đồ nhiều màu sắc đang di chuyển.
Khoa cho biết, nhìn vào các chỉ số này, anh có thể biết, thiết bị đã hoạt động ra sao. Cho đến lúc này, các thông số đều cho kết quả tốt.
Chia sẻ về công việc của mình, kỹ sư Quỳnh cho biết, khi lắp phóng xạ, thao tác càng nhanh thì nguy cơ nhiễm phóng xạ càng giảm. Tuy nhiên, yêu cầu vẫn phải đảm bảo đúng quy trình, chính xác và không được để xảy ra bất cứ sai sót nào.
Mỗi một giếng khoan, Quỳnh và Khoa thường phải lắp 3 lần phóng xạ vào các ống khoan. Công việc nghe thì nguy hiểm nhưng với họ ‘đó là chuyện thường ngày’.
Bình luận