Đã từng có một Hải đội tàu ngầm Việt Nam đào tạo bài bản và được đánh giá như kíp tàu ngầm tốt nhất Trung tâm huấn luyện của Liên Xô vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Đầu năm 1982, anh lính đặc công nước Vũ Hồng Hảo cùng 200 chiến sĩ của Lữ đoàn 126 nhận lệnh đi khám sức khỏe. Không ai biết về nhiệm vụ sắp tới.
Những thủy thủ tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam |
Chỉ có bốn người trong số đó được lựa chọn, họ chuyển vào Bãi Cháy (Quảng Ninh), bắt đầu những ngày tháng đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp. Đó là những ngày tháng mở màn cho sự ra đời của Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - Hải đội 182.
6.000 người chọn 80 người
Kế hoạch xây dựng lực lượng đặc nhiệm tàu ngầm của Việt Nam đã hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tháng 1/1982, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập đoàn tuyển chọn, đến tất cả các đơn vị hải quân ở miền bắc để chọn khung tàu đầu tiên chuẩn bị đi Liên Xô (trước đây) huấn luyện.
Đại tá Phạm Tân, một trong hai người phụ trách trực tiếp việc tuyển chọn kể lại, các bài kiểm tra đều do phía Liên Xô tư vấn. Ngay cả khi chọn lựa xong, bác sĩ Liên Xô lại sang kiểm tra một lần nữa.
Trong suốt hai năm huấn luyện tại Việt Nam (từ 1982 đến 1984), vẫn có nhiều người không đủ sức khỏe phải trở về, rồi lại có người mới vào thay. Quy trình khắt khe này đến giờ vẫn là ấn tượng của nhiều thành viên Hải đội 182. Ngoài khám tuyển cơ bản, người được chọn phải có tiền đình tốt và chịu được áp suất.
Đại tá Trần Văn Thịnh, người sau này là Thuyền phó tàu số 1, vẫn nhớ khi ấy, những người tham gia khám tuyển được đưa vào một phòng kín, nén áp suất. “Áp suất càng tăng, mồ hôi vã ra, khó chịu vô cùng. Nhiều người máu mũi, máu tai trào cả ra. Chúng tôi phải vượt qua tối thiểu là bốn atmosphere, tương đương độ sâu 40 m”.
Trước đó ông Thịnh đang là quyền thuyền trưởng tàu tên lửa HQ 358, trực chiến tại vịnh Bái Tử Long. Nhận thông báo điều động làm nhiệm vụ mới, ông Thịnh theo ca-nô vào bờ mà cũng chưa biết công việc sắp tới của mình ra sao.
Liên Xô (cũ) và nước Nga ngày nay là một trong những cường quốc tàu ngầm |
Ông Vũ Hồng Hảo kể khi nhận lệnh, ông vẫn nghĩ đi khám để chuẩn bị được cử đi học văn hóa. Ngay cả khi trúng tuyển, ông cũng chỉ được biết mình có nhiệm vụ đặc biệt, chuyển ra Bãi Cháy, chứ trong đầu chưa hề biết hai từ tàu ngầm. Bản thân ông Hảo khi đó cận hơn một độ.
Ngày khám tuyển nghĩa vụ quân sự, ông học thuộc bảng đo thị lực, nhờ cách này mà đánh lừa được các bác sĩ, trở thành lính hải quân. Hơn một năm sau, đến khi trải qua ba vòng kiểm tra gắt gao, ông biết không thể giấu được, phải khai thật với bác sĩ.
Nhưng những người tuyển chọn khi ấy chú ý đến ông bởi thính lực đặc biệt nhạy bén, có thể nghe được cả âm thanh nhỏ nhất. Ông Hảo được chọn, sau này trở thành Ngành phó ngành radar trong khung tàu đầu tiên.
Đại tá Phạm Tân nhớ lại, trong số 6.000 người khám tuyển, chỉ chọn được 120 người. Đến tháng 5-1982, khi chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra đợt hai, 40 người bị loại. Những người được chọn đều là gương mặt xuất sắc nhất trong toàn Quân chủng.
Ông Nguyễn Thiện Toản, sau này là Hải đội phó chính trị Hải đội, người nắm rõ lý lịch của anh em kíp tàu, nói: “Các sĩ quan phần lớn đều được đào tạo từ Liên Xô về. Chiến sĩ đều chọn người tốt nghiệp lớp 10/10, ngoài sức khỏe còn đòi hỏi ý thức chính trị tốt”.
Ngày 1/6/1982, Tư lệnh Hải quân - Chuẩn tướng Đoàn Bá Khánh, ký Quyết định thành lập đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên với mật danh là “Đoàn 682” (tiền thân của Hải đội 182 sau này) trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân.
Nhiệm vụ của những người được chọn khi đó là tiếp tục rèn luyện thể lực, học tiếng Nga để sẵn sàng đi huấn luyện. Đó là lần đầu tiên, nhiều chiến sĩ biết đến từ “tàu ngầm”, và bắt đầu tưởng tượng về nhiệm vụ sắp tới.
Kỷ luật thép
Tháng 6/1984, Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân lúc đó, đã ký quyết định thành lập Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam với phiên hiệu là Hải đội 182 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân với ba thành phần: Cơ quan Hải đội, Khung tàu ngầm 1, Trạm nổi. Đồng chí Trần Quang Khuê - Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, là Hải đội trưởng.
Những sĩ quan, chiến sĩ của Hải đội 182, trong mỗi dịp gặp mặt, đều nhắc đến các vị chỉ huy của họ, những người mà với họ nổi tiếng bởi sự nghiêm khắc.
Ảnh mô phỏng tàu ngầm xuất phát từ căn cứ bí mật |
Đại tá Phạm Tân - người từng có kinh nghiệm đi tàu ngầm trong thời gian theo học Học viện Hải quân Ba Lan, đã rất thẳng thắn với anh em: “Các đồng chí ở tàu ngầm, bất kỳ hành động nào cũng ảnh hưởng đến người khác. Ở đây chúng ta phải có kỷ luật sắt, ý chí sắt, kiến thức cũng sắt”.
Không nhiều người hiểu về tàu ngầm thời kỳ đó. Sự tồn tại của Hải đội là một ẩn số với ngay cả những người trong ngành.
Ông Thịnh nhớ lại, thời kỳ học tại Trường chỉ huy kỹ thuật hải quân Bacu (Azecbaijan), ông có những khóa học về săn và tìm kiếm tàu ngầm, “Biết tính năng sử dụng tàu, nhưng chi tiết kỹ thuật thì chưa”. Tinh thần của anh em trong Hải đội đều rất quyết tâm nhưng gia đình của họ thì chưa hiểu.
Người vợ mới cưới của ông Phạm Tân vừa nghe đến hai từ tàu ngầm đã khóc hết nước mắt. Vợ ông Nguyễn Thiện Toản, thuyền phó chính trị, phải đến khi sang tận Riga thăm chồng, tận mắt nhìn thấy con tàu to như tòa nhà ở bến, mới yên tâm phần nào.
Suốt hai năm rèn luyện với kỷ luật thép, tháng 5-1984, đơn vị lại chuyển quân về Đoàn an dưỡng 220 Hải quân (Bãi Cháy, Quảng Ninh) để kiểm tra sức khỏe đợt cuối. Quân số đơn vị đã được chốt lại. Tháng 7-1984, 55 sĩ quan, chiến sĩ của Khung tàu 1 lên đường sang Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Liên Xô (đặt tại Riga, nước CH Latvia), bắt đầu 21 tháng đào tạo về tàu ngầm. Khi đó trong nước, công cuộc tuyển chọn Khung tàu 2 vẫn tiếp tục.
Đích thân Đô đốc Tư lệnh Giáp Văn Cương ra tiễn đoàn, kèm theo lời nhắn nhủ: “Các đồng chí bây giờ đi thực hiện nhiệm vụ, không đồng chí nào vì lý do này hay khác mà để phí hoài”.
(Còn nữa)
TheoLưu Phương Mai/ Thời nay
Bình luận