• Zalo

Hai đại gia ngành thép đưa nhau ra tòa

Pháp luậtThứ Ba, 10/04/2012 12:15:00 +07:00Google News

Vụ việc bùng nhùng, ông Hoa khởi kiện ra tòa. Ban đầu ông Hoa kiện dân sự và liền sau đó lại gửi đơn tố cáo tới cơ quan điều tra.

Vừa qua, dư luận xôn xao vụ mua bán cổ phần của Công ty Cổ phần kim khí Hưng Yên (Cty KKHY) giữa bà Nguyễn Thị Toàn, Chủ nhiệm HTX công nghiệp Toàn Diện tại Thái Nguyên (HTX Toàn Diện) với ông Lê Văn Dũng và bà Lê Ngọc Lan, là những người chiếm cổ phần chi phối của Cty KKHY. Tổng giá trị mua 100% số cổ phần là 370 tỷ đồng, tuy nhiên sau đó bà Toàn bị đối tác kiện ra tòa đòi tiền và bị bắt giam.

Từ thương vụ mua bán…


Trước đó, Cty KKHY đang nợ ngân hàng 340 tỷ đồng và hàng trăm tỷ đồng của nhiều khách hàng cùng các đối tác làm ăn khác… trong đó có nợ 35 tỷ đồng của ông Đặng Lê Hoa (Công ty TNHH cán thép Tam Điệp, Ninh Bình). Từ tháng 4 đến tháng 7-2007, ông Dũng và bà Lan đã ký hàng loạt văn bản, hợp đồng bán toàn bộ cổ phần của Cty KKHY cho bà Toàn. Sau đó, bà Toàn đã thanh toán toàn bộ số tiền mua cổ phần và tiếp nhận Nhà máy thép Hưng Yên. Trong biên bản bàn giao nợ của Cty KKHY ngày 1-4-2007 có quy định: Bên mua (bà Nguyễn Thị Toàn) chỉ thanh toán khoản nợ 340 tỷ của Cty KKHY với hai ngân hàng và giải quyết 30 tỷ đồng trong tổng số nợ của Cty KKHY. Nợ khác còn lại, ông Dũng phải thanh toán toàn bộ.

Sau khi đối chiếu công nợ, còn khoản tiền 35.876.675.500 đồng (hơn 35 tỷ đồng) Cty KKHY nợ Công ty TNHH cán thép Tam Điệp, Ninh Bình (trước ngày 31-3-2007, (biên bản 6-4-2007). Để thanh toán khoản nợ này, ông Lê Văn Dũng cam kết và bán thêm cho bà Toàn 5.000 cổ phần của ông Dũng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Bà Toàn cam kết sẽ thay ông Dũng trả nợ cho ông Đặng Lê Hoa 35 tỷ đồng.

Biên bản nhận nợ với ông Hoa và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu được ký cùng một ngày (6-4-2007). Vì chưa nắm trong tay cổ phiếu của ông Dũng, trong biên bản nhận nợ (6-4-2007), bà Nguyễn Thị Toàn đã ghi thêm (trước khi ký tên) điều kiện nhận nợ của bà Toàn là “nếu sau ngày 31-6-2008 ông Dũng không thực hiện cam kết, bà Toàn có quyền dùng số phôi thép giao nhận sau ngày 6-4-2007 để trừ công nợ giữa tôi (bà Toàn) và ông Hoa ở mọi thời điểm”. Biên bản này có cả ông Dũng và ông Hoa cùng ký tên đóng dấu mà không có ý kiến phản hồi.

Đến sập bẫy bất ngờ?


Ngay sau khi tiếp nhận Cty KKHY, bà Nguyễn Thị Toàn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ngày 6-6-2008, Công ty TNHH cán thép Tam Điệp ra Văn bản số 48/TB-CT xác định Cty KKHY đã trả xong khoản nợ 35.876.675.500 đồng, thể hiện trong cam kết ngày 6-4-2007. Theo văn bản này thì như vậy ông Hoa đã đòi xong được khoản nợ khó đòi từ ông Dũng, bởi vì ông Dũng đã mất khả năng trả nợ từ đầu năm 2007.

Đầu năm 2007, ông Hoa có trao đổi điện thoại với bà Toàn là nếu Cty KKHY cần vốn, ông Hoa có thể cho vay. Sau khi thanh toán bù trừ, ông Hoa và bà Toàn thống nhất: Phía ông Hoa sẽ chuyển cho bà Toàn vay số tiền 18.995.291.237 đồng, để tổng nợ của bà Nguyễn Thị Toàn (thực chất là các doanhb nghiệp của bà Toàn) tính tròn lên 50 tỷ. Lãi suất bà Nguyễn Thị Toàn phải trả là 1%/tháng. Sau thương vụ trao đổi này, ông Hoa chuyển cho bà Toàn bằng tiền mặt gần 19 tỷ đồng. Hai bên làm cam kết nợ ngày 18-1-2008, bà Toàn xác nhận nợ ông Hoa số tiền 50 tỷ đồng.

Trong cam kết nợ, số tiền 50 tỷ bao gồm cả khoản nợ của Cty KKHY. Từ tháng 1-6-2008 bà Toàn vẫn đều đặn thanh toán tiền gốc và tiền lãi cho ông Hoa. Thế nhưng, trong thời gian này, bà Toàn phát hiện, ông Dũng không phải là cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Sài Gòn, thậm chí, tại thời điểm chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, ông Dũng còn chưa phải là cổ đông của ngân hàng. Thực chất, ông Lê Văn Dũng chỉ sở hữu 5.000 trái phiếu chuyển đổi trị giá 10 tỷ đồng. Chính bởi lý do này, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu giữa ông Lê Văn Dũng và bà Toàn không thực hiện được.

Và theo lẽ thông thường, biên bản nhận nợ ngày 6-4-2007 cũng phải thực hiện theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Toàn, bởi cả ba bên không ai phản đối yêu cầu của bà Toàn. Đến ngày 30-6-2008, đúng với thời hạn cam kết nhận nợ, bà Nguyễn Thị Toàn yêu cầu ông Hoa đối chiếu công nợ để quyết toán nợ. Theo đó, ông Hoa đòi bà Toàn số tiền 18.995.291.237 đồng và cho bà Toàn vay các khoản khác của Cty KKHY, nhưng phải khấu trừ khoản tiền 35.876.675.500 đồng do việc nhận nợ hộ ông Dũng bị vô hiệu.

Vụ việc bùng nhùng, ông Hoa khởi kiện ra tòa. Ban đầu ông Hoa kiện dân sự và liền sau đó lại gửi đơn tố cáo tới cơ quan điều tra. Vụ án được khởi tố đưa ra tòa xét xử.

Ngày 5-10-2011, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên đã đưa vụ án ra xét xử quy bà Toàn tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa, quan điểm của Hội đồng xét xử cho rằng bà Toàn nhận nợ hộ ông Dũng số tiền 35.876.675.500 đồng (biên bản làm việc ngày 6-4-2007) nhưng không thừa nhận ý kiến của bà Toàn và nếu ông Dũng không thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu thì không nhận nợ.

Bên cạnh đó HĐXX thừa nhận nội dung: “Biên bản thoả thuận vay tiền” ngày 18-1-2008, số tiền được ghi là 50 tỷ đồng, nhưng có điều tòa lại tách ra 18.995.291.237 đồng là nợ cá nhân, 31 tỷ còn lại là nợ giữa các pháp nhân. Theo đó, HĐXX cho rằng vụ việc có dấu hiệu một phần hình sự, một phần dân sự?! Phiên tòa sơ thẩm khẳng định việc bà Toàn gắn việc trả nợ gần 19 tỷ cho ông Hoa vào việc nhận nợ hộ ông Dũng và đã trả đủ cho ông Hoa gần 36 tỷ đồng là âm mưu chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa sơ thẩm tuyên án bà Toàn 15 năm tù giam.

Viện KSNDTC bác tội danh

Do không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà Toàn kháng cáo, có đơn gửi tới Viện KSNDTC. Công văn số 2461/VKSTC/V1 và Công văn 2179/VKSTC/V1 của Viện KSNDTC nêu rõ: “Bị can Toàn vẫn xác định các khoản nợ vay của ông Hoa (cả gốc và lãi) đã được hai bên xác nhận nợ bằng văn bản. Sau khi phát sinh việc vay nhận nợ từ tháng 4-2007 đến tháng 6-2008, bị can Toàn đã thanh toán trả cho ông Hoa 36.659.954.440 đồng tiền gốc và 3.006.666.000 tiền lãi khoản vay 50 tỷ đồng từ tháng 1 đến tháng 6-2008.

Số tiền còn nợ lại bà Toàn xin được đối trừ công nợ giữa các bên. Khoản nợ giữa bị can Toàn và ông Hoa là vay có đảm bảo bằng tài sản, số tài sản hiện có của Nguyễn Thị Toàn lớn hơn nhiều lần số tiền còn nợ ông Đặng Lê Hoa. Trong khi đó giữa hai người là bạn hàng, có mối quan hệ mua bán thường xuyên từ lâu…”. Từ những vấn đề nêu trên, Vụ 1 Viện KSNDTC thấy rằng: Không đủ căn cứ để khởi tố và truy tố Nguyễn Thị Toàn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 Bộ Luật hình sự”.

Những điểm cần làm rõ…


Nhận xét về phiên tòa sơ thẩm, dư luận cho rằng vụ việc có nhiều điều đáng bàn.

Biên bản xác nhận nợ ngày 6-4-2007 có chữ ký và con dấu của ba người: Ông Hoa, ông Dũng và bà Toàn là một chứng cứ quan trọng của vụ án. Ngay ông Hoa, nguyên đơn cũng xác nhận bà Toàn đã viết phần điều kiện đảm bảo nhận nợ trước mặt ông. Ông Hoa đã nhận bản có viết thêm của bà Toàn và nhận tiền trả nợ theo văn bản này. Vậy mà nhận định của HĐXX lại là: “Có căn cứ để khẳng định bà Toàn viết thêm vào văn bản sau khi đã phát sinh tranh chấp trong việc trả nợ tiền vay của ông Hoa. Đây là hành vi gian dối của bị cáo”. Mặt khác lại đánh giá: “Ý kiến cá nhân của bà Nguyễn Thị Toàn viết tay thêm vào biên bản làm việc ngày 6-4-2007 không có giá trị ràng buộc các bên”?

Văn bản thoả thuận về việc vay tiền ngày 18-1-2008 là văn bản quan trọng, chứng cứ quyết định xác nhận bà Toàn có vay nợ ông Hoa hay không? Điều đáng lưu ý là: Khoản nợ của Cty KKHY với Công ty TNHH cán thép Tam Điệp đến ngày 17-1-2008 đã nằm trong tổng số tiền trên. Thêm nữa, điều kiện đảm bảo khoản vay này còn nêu rõ: Bên cho vay có quyền giữ Nhà máy kim khí Hưng Yên. Như vậy văn bản này xác nhận các cá nhân trong biên bản này là đại diện của các doanh nghiệp, chính là các pháp nhân. Bà Toàn luôn khẳng định tính hợp pháp của văn bản này, tức là thừa nhận vào thời điểm ngày 18-1-2008, bà với tư cách chủ doanh nghiệp có nợ ông Hoa 50 tỷ đồng. Ông Hoa cũng xác nhận tính hợp pháp của văn bản này.

Nhưng lạ thay cũng từ những lập luận trên, các cơ quan tố tụng lại không xét tới văn bản này với tư cách là văn bản xác nhận nợ giữa hai pháp nhân với món nợ 50 tỷ đồng mà lại xác nhận văn bản này như chứng cứ cho món vay gần 19 tỷ đồng của hai cá nhân, trong khi đó văn bản này không hề nhắc tới khoản tiền vay trên? Như vậy, tòa lại chấp nhận một phần chứng cứ làm chứng cứ có lợi cho nguyên đơn.

Về việc mua bán cổ phần, cổ phiếu giữa ông Dũng và bà Toàn, các cơ quan bảo vệ pháp luật và toà án đã có bản Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu và xác nhận của Ngân hàng TMCP Sài Gòn xác nhận ông Lê Văn Dũng không phải là cổ đông chiến lược thời điểm ông Dũng ký bán cổ phần chiến lược cho bà Toàn, cho thấy đã có đủ chứng cứ để xác nhận ông Dũng lừa đảo bà Toàn và đây là một hợp đồng vô hiệu. Nhưng ngay ở phần chứng cứ này, không đề cập giá trị pháp lý của Hợp đồng chuyển nhượng, HĐXX lại chấp nhận lời khai của ông Dũng rằng, chính bà Toàn đã là người vi phạm “Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu?”.

Chính từ việc chỉ sử dụng những văn bản có lợi cho nguyên đơn, bỏ qua những chứng cứ có lợi cho bị cáo đã làm kết luận vụ án sai lệch với sự thật. Chưa bao giờ bà Toàn chối các khoản còn nợ đối với ông Hoa. Bà Toàn chỉ yêu cầu ông Hoa đối chiếu bù trừ để xác nhận khoản tiền phải trả. Bà Toàn chấp nhận tất cả chứng cứ, văn bản xác nhận nợ, vậy mà nhận định của tòa là: “Đã có đủ căn cứ khẳng định bị cáo vay tiền người khác đến nay chưa trả, tìm cách đổ lỗi cho người khác, có hành vi gian dối để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ”. Tuy nhiên, theo Công văn số 2179/VKSTC – V1 ngày 16-7-2010 của Viện KSNDTC thì nhận định này không chính xác.

Theo Báo Cựu chiến binh Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn