Sáng 14/7, Viện Kiểm sát (VKS) nêu quan điểm luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4, 15 - 17 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3, bị đề nghị 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ từ 3 - 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Nguyễn Thế Anh (cựu Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị đề nghị mức án chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 1-5 năm tù về “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tổng hình phạt tù chung thân.
VKS đề nghị phạt bà Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Lê Xuân Thanh) 24 - 36 tháng tù treo. Cựu Thượng tá Nguyễn Văn Hùng (Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh) bị đề nghị 17 năm tù. Cựu Đại tá Phạm Văn Trên (Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh) bị đề nghị 9-11 năm tù.
Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 7-9 năm tù về tội “Buôn lậu”.
Cựu Trung tá Nguyễn Thanh Lâm (Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) bị đề nghị 10 - 12 năm tù. Cựu Thượng tá Lê Văn Phương (Phó trưởng Phòng CSGT Công an Trà Vinh) bị đề nghị 3 - 4 năm tù.
Cựu Thiếu tá Lưu Thế Đức (Phó đoàn trưởng Trinh sát 2) và cựu Thượng úy Sơn Hoàng Ngự (nhân viên Đồn Biên phòng cảng Trường Long Hòa) cùng bị đề nghị 4 - 5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn An 17 - 18 năm tù, Phạm Hồ Hải 7 - 8 năm tù.
Bị cáo Cao Phước Hoài bị đề nghị mức án 6-7 năm tù về tội Không tố giác tội phạm.
Ngoài ra, VKS đề nghị tịch thu toàn bộ số tiền nhận hối lộ và thu lợi bất chính của 2 cựu thiếu tướng Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh cùng cựu đại tá Phùng Danh Thoại và các bị cáo khác.
Theo VKS, năm 2019, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn (cùng trú tại TP.HCM) và cựu Đại tá Phùng Danh Thoại cùng một số người góp gần 54 tỉ đồng (Thoại góp 5 tỉ) để buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Nhóm Phan Thanh Hữu buôn lậu 198 triệu lít xăng với tổng số tiền hơn 2.795 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 260 tỉ đồng; Thoại hưởng lợi hơn 22 tỉ đồng.
Từ tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời, nhờ Nguyễn Thế Anh giúp đỡ. Sau đó, cựu Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đồng ý giúp. Từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, khi chuyển về làm chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, mỗi tháng, Hữu chi cho Nguyễn Thế Anh 10.000 USD.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, bảo kê đường dây cho Hữu. Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021, Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng của Phan Thanh Hữu, nhiều lần thông qua em họ là Nguyễn Văn An. Ngoài ra, Thế Anh còn tổ chức cho Nguyễn Văn An trốn ra nước ngoài.
Theo đại diện VKSQS, Phan Thanh Hữu biết ông Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển một số tỉnh nên nhờ giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng. Từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2021, bị cáo Lê Văn Minh trực tiếp nhận và thông qua vợ, con để nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỉ đồng.
Đầu năm 2020, Hữu thông qua ông Lê Văn Minh để làm quen với cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh. Sau khi đặt vấn đề và được ông Thanh đồng ý, ông Hữu chỉ đạo con trai hàng tháng hối lộ cho ông Thanh bằng cách mang tiền đến nhà riêng ông Thanh, đưa cho bà Xuân.
Mục đích để ông Thanh giúp đỡ, bảo kê các tàu buôn lậu xăng trên biển. Theo đó, từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, bị can Hữu đã giao 1,8 tỉ đồng cho con trai là Phan Lê Hoàng Anh để đưa cho bà Xuân.
VKS đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là sĩ quan đã nhận hối lộ, gây ảnh hưởng xấu đến công an, quân đội, cơ quan nhà nước.
Bình luận