Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐQGHN) đã có những đánh giá về việc con hải cẩu đốm thường lên bờ nô đùa với người dân đã bị đánh chết ở khu bãi biển Đồi Dương (thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận).
Dưới con mắt của một người nghiên cứu về tâm lý, tôi thấy rằng đây là một hành vi lệch chuẩn. Việc hành hạ động vật có thể là một biểu hiện của rối loạn hành vi (đối với trẻ em và vị thành niên), có thể là một biểu hiện của vấn đề rối loạn nhân cách chống đối xã hội (đối với người lớn).
Những người có khuynh hướng bạo dâm cũng có sở thích hành hạ động vật vì đối với họ, chứng kiến người hoặc vật khác đau đớn sẽ khiến họ sung sướng hoặc thăng hoa.
Nói một cách khác đi, hành vi hành hạ động vật có xu hướng lặp lại thường xuyên có thể là dấu hiệu của một dạng bệnh tâm thần.
Theo đó, có thể có một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó.
Thứ nhất là yếu tố thuộc về xu hướng, khí chất, nhân cách của cá nhân. Ví dụ như có những người sinh ra với kiểu hình thần kinh mạnh nhưng không cân bằng dẫn đến cá nhân đó hành xử một cách nóng nảy, thô bạo, chủ yếu dựa trên cảm xúc.
Nó cũng giống như một số người có xu hướng khổ dâm và một số khác lại có khuynh hướng bạo dâm vậy
Thứ hai là nhận thức cá nhân về hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội ở nhiều người rất yếu kém.
Thử hỏi ai trong chúng ta không biết đèn đỏ là phải dừng lại nhưng liệu tất cả có luôn dừng lại trước đèn đỏ không.
Hơn nữa, ở Việt Nam đến nay luật pháp mới chỉ dừng lại ở việc chống săn bắt, nuôi, nhốt, giết, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm mà chưa có quy định điều chỉnh hành vi tra tấn, hành hạ vật nuôi nói chung nên nhiều người không ý thức được đó là hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội.
Chính vì vậy, nhiều người ngang nhiên quay phim cảnh tra tấn động vật và đăng lên các phương tiện truyền thông như một chiến tích vậy.
Yếu tố thứ ba góp phần tạo nên hiện trạng này là các áp lực xã hội và cảm xúc tiêu cực của từng cá nhân. Một số trường hợp trẻ hành hạ động vật mà tôi có cơ hội tiếp xúc là do các em tức giận với bố mẹ, thầy cô nhưng không biết xả vào đâu.
Trong tâm lý học, đây chính là cơ chế “chuyển di” hay dân gian còn gọi là “giận cá chém thớt”.
Ví dụ: Ông bố ở cơ quan bị sếp mắng rất bức xúc nhưng không dám phản ứng gì. Về nhà cáu giận vô cớ với vợ. Vợ nể chồng không dám nói nhưng bực tức nên quát con và đánh nó mấy cái. Đứa con cảm thấy tức giận mẹ đã mắng và đánh mình vô cớ nhưng không dám cãi lại nên đá con mèo văng vào góc.
Video: Hải cẩu bị giết: Công an Bình Thuận vào cuộc xác minh
Việc hành hạ động vật có thể bắt nguồn từ những tình huống trong gia đình từ nhỏ như vậy và trở thành thói quen khi lớn lên. Cứ khi nào cảm thấy tức giận, oan ức thì chúng ta sẽ trút giận lên những con vật không có khả năng phản kháng.
Tôi nghiên cứu về tâm lý nên cũng có một số cơ hội trải nghiệm việc thí nghiệm trên động vật. Những người tham gia nghiên cứu bị bắt buộc phải trải qua một khóa đào tạo ngắn về phương pháp, kinh nghiệm chăm sóc động vật trong phòng thí nghiệm.
Một người trong nhóm được phân công phải giám sát tất cả các quy trình tác động đến động vật để đảm bảo sự thoải mái, sức khỏe và điều trị nhân đạo cho chúng khi có vấn đề sức khỏe.
Trưởng nhóm nghiên cứu luôn phải đưa ra cách xử trí để giảm thiểu sự khó chịu, nhiễm trùng, bệnh tật và sự đau đớn của con vật. Tất cả các thủ thuật làm đau, gây căng thẳng hay phẫu thuật trên động vật thí nghiệm đều phải được bảo vệ trước một hội đồng đạo đức về lợi ích giá trị khoa học mà nó mang lại và phải được Hội đồng thông qua.
Còn khi cần thiết chấm dứt cuộc sống của động vật thí nghiệm, người nghiên cứu phải tiến hành nhanh với nỗ lực giảm thiểu đau đớn theo những quy trình đã được chấp nhận (Ví dụ như tiêm thuốc độc).
Đấy là những quy tắc để định hướng cách hành xử của con người với động vật ở nước mà tôi đã có cơ hội đến học.
Tôi xin chia sẻ một câu chuyện về người bạn Nhật mà tôi biết khi đang đi học. Cậu lái xe đêm đi đường và vô tình đâm một con hươu bị thương nặng. Chưa từng có kinh nghiệm trong tình huống này nên cậu gọi điện cho mấy người bạn học Châu Á để tư vấn.
Một số bạn sinh viên Việt Nam sau hỏi han về tình hình khu vực đó có ai qua lại không, xe có làm sao không, có đi được không thì khuyên là “có nhét vừa con hươu vào cốp xe không, mang về đây chúng ta đánh chén, chúng tao chưa được ăn thịt hươu bao giờ”.
Tuy nhiên câu bạn Nhật sau đó quyết định báo cảnh sát và ngồi đợi trong xe qua đêm.
Từ câu chuyện này, có thể liên hệ để trả lời câu hỏi tại sao trên đường phố Việt nam không bao giờ thấy sự xuất hiện của động vật hoang dã trong khi ở các nước khác thì rất nhiều.
Đó là chúng ta mặc dầu xã hội phát triển, cuộc sống đi lên nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những lo lắng sinh tồn, luôn luôn bận tâm đến các nhu cầu bậc thấp như ăn, mặc, ở.
Chúng ta bắt được con gì ngoài đường cũng sẽ thịt hết. Động vật càng quý hiếm hoang dã càng thành đặc sản.
TS Trần Thành Nam
Chúng ta bắt được con gì ngoài đường cũng sẽ thịt hết. Động vật càng quý hiếm hoang dã càng thành đặc sản.
Còn người dân các nước như bạn đề cập ngoài việc họ có chế tài pháp luật, ý thức pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật thì phần lớn xã hội đã vượt qua những nhu cầu bậc thấp để vươn đến những nhu cầu bậc cao như nhu cầu về liên kết, liên hệ, tôn trọng và thể hiện.
Chính vì vậy, họ tôn trọng sự đa dạng sinh học, sự liên kết giữa con người với thế giới thiên nhiên và động vật.
Tôi nghĩ ở các nước phát triển, họ không chỉ quan tâm đến quyền con người mà còn quan tâm đến cả quyền của động vật bậc cao không phải con người.
Đối với họ, mỗi sinh mạng đều có những giá trị nhất định. Những giá trị này đã được thể chế hóa thành những quy điều đạo đức ứng xử với động vật trong xã hội, trở thành một nét văn hóa và là biểu hiện của một nền văn minh.
Bên cạnh đó, có thể xã hội của họ cũng từng trải qua những giai đoạn khủng hoảng giết hại động vật nên đã ý thức được tầm quan trọng của sự đa dạng gen sinh học.
Họ hiểu rằng những không gian xanh với nhiều động vật trong thành phố chính là những nơi xả stress, giúp nhân dân tự cân bằng và tái tạo năng lượng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Nhờ đó mà hiệu suất làm việc của họ tăng
Còn chúng ta, các quyền con người (như quyền trẻ em) còn chưa được nhận diện và ý thức đầy đủ nên làm gì có nhiều người để tâm đến đa dạng sinh học hay hành vi đạo đức trong ứng xử với động vật. Nói cách khác, trình độ văn minh ở nhiều bộ phận nhân dân còn thấp.
Tôi thấy rằng về mặt xã hội, hành hạ động vật rồi đăng lên các trang mạnh xã hội là một hành động lệch chuẩn gây ra nhiều cảm xúc tiêu cực cho cộng đồng.
Tôi nhớ một tình huống trên phim tài liệu về việc huấn luyện lính Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam trước đây. Những binh sỹ mới sang bị bắt buộc phải đập chết một con thỏ và xé xác nó bằng tay không.
Họ bị bắt buộc làm việc này để quen và dễ dàng hơn trong việc nhấn cò súng giết người.
Những hành vi tàn ác với động vật là bước khởi đầu và có thể là yếu tố dự báo cho những hành vi xâm phạm người khác theo kiểu máu lạnh trong tương lai
TS Trần Thành Nam
Vì vậy, tôi cũng cho rằng những hành vi tàn ác với động vật là bước khởi đầu và có thể là yếu tố dự báo cho những hành vi xâm phạm người khác theo kiểu máu lạnh trong tương lai.
Đối với trẻ em, những hành động tra tấn động vật như trên là rất nguy hiểm. Trẻ sau khi chứng kiến những cảnh tượng như vậy thường có thể bị chấn thương tâm lý (thể hiện với những hình ảnh máu me xuất hiện lặp lại trong đầu và những cơn ác mộng hoặc chúng sẽ bình thường hóa chuyện tra tấn và sẽ bắt chước những hành vi tra tấn động vật này trong tương lai.
Thực tế thì các chương trình giáo dục cho trẻ em của chúng ta có nhiều bài học giáo dục lòng yêu thương động vật nhưng thực tế đã phủ nhận nó.
Giáo viên chỉ có một giờ học trên lớp về lòng yêu thương động vật. Nhưng ra chợ, trẻ thấy người ta nhồi gà, nhồi vịt đến chết để tăng thêm mấy lạng.
Về khu phố, chứng kiến mấy anh lớn hơn đang dìm chết con chuột mới bắt được hay bà hàng xóm đánh què chân con mèo vì dám “đi bậy” trước cửa nhà bà. Một môi trường như vậy thì làm sao mà giáo dục nhà trường có thể hình thành lòng yêu thương động vật cho trẻ được.
Vì vậy, trước vấn nạn này, cộng đồng cần có thái độ, cách ứng xử mạnh mẽ lên tiếng phản đối đối với những hành động tàn độc đối với động vật.
Thứ nhất, trong lúc luật pháp chưa có quy định để điều chỉnh những hành động này, cộng đồng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử có liên quan đến hành xử với động vật và phổ biến, kêu gọi sự chấp nhận, ủng hộ của càng nhiều người càng tốt.
Cách này sẽ giúp chúng ta một cách không chính thức giáo dục nhận thức và định hướng thái độ, hành vi ứng xử của công chúng.
Thứ hai, sẽ kêu gọi công chúng phát hiện, tẩy chay, cắt đứt giao tiếp với những người có hành vi đăng các hình ảnh tra tấn động vật lên trên mạng đồng thời nghiên cứu các chế tài xử lý hành vi đăng thông tin phản cảm lên mạng xã hội.
Tiến sĩ Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên sâu về Tâm lý học lâm sàng tại trường Đại học Vanderbilt của Mỹ.
Bình luận