Sản phụ mang thai 32 tuần, mắc bệnh tim bẩm sinh nên từ bé cô gái đã gầy yếu, 18 tuổi chỉ nặng 33kg, người mỏng dính, toàn xương. Khi mang thai cân nặng của cô chỉ đạt 36kg.
Sáng 30/5, sản phụ biểu hiện đau ngực được gia đình đưa vào bệnh viện gần nhà. Đến chiều tối, cô bắt đầu nôn, đau bụng dưới, đau ngực trái tăng dần. Sáng 31/5, cô được chuyển lên Bệnh viện Tim Hà Nội cấp cứu.
Qua thăm khám bác sĩ phát hiện sản phụ có tách thành động mạch chủ type A, bị hở van hai lá nhẹ, hở van động mạch chủ vừa, hở van ba lá nhẹ, thất trái không giãn.
TS.BS Phạm Như Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tiên lượng nặng, tính mạng mẹ và con đều nguy kịch. Bệnh viện đã bật báo động đỏ, đồng thời mời các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cùng tham gia chữa trị cho hai mẹ con.
Chiều 31/5, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ lấy thai để cứu con trước. Bé sơ sinh chào đời là con gái, nặng 1,8kg. Ngay sau đó, bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện phẫu thuật cứu người bệnh.
Ông Hùng chia sẻ, bệnh nhân vừa trải qua cuộc mổ lấy con xong lại tiếp tục phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật tim, trên nền thể trạng yếu.
BSCK2 Nguyễn Thái Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội, người trực tiếp thực hiện ca mổ tim thông tin, bệnh nhân tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh là hội chứng Marfan (một trong các bệnh lý bất thường mô liên kết). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến biến chứng nguy hiểm lóc tách động mạch chủ type A.
Bệnh lý tim bẩm sinh khiến hệ động mạch của bệnh nhân mỏng hơn người bình thường, dễ giãn. Việc có thai, nội tiết tố thay đổi dẫn đến biến chứng nguy hiểm lóc tách động mạch chủ type A.
"Việc có thai vô tình khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng và nguy hiểm", bác sĩ Minh nói và cho biết, bệnh diễn biến cấp tính nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và thai nhi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu, đau ngực nhiều, không thể điều trị bằng các phương pháp khác ngoài phẫu thuật.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng. Hiện bệnh nhân qua cơn nguy kịch, có thể ra viện sau 1 tuần nữa.
Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân còn rất trẻ, ngoài giải quyết tổn thương chính ở động mạch chủ, các bác sĩ cố gắng sửa chữa, bảo tồn van tim cho bệnh nhân. Phẫu thuật để giữ lại van tim cho người bệnh cũng là phẫu thuật khá phức tạp. Tuy nhiên, nhờ đó, bệnh nhân sẽ không phải uống thuốc chống đông suốt cả đời.
"Bệnh nhân còn trẻ, nếu phải sử dụng thuốc chống đông cả đời thì nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến cố do dùng thuốc kéo dài", bác sĩ Minh nói.
Vị chuyên gia tim mạch cho biết thêm, với bệnh nhân này, đây mới chỉ là những phẫu thuật cấp cứu, giải quyết vấn đề cấp bách mang tính chất sống còn, đó là cứu tính mạng của mẹ và con. Về lâu dài bệnh nhân phải trải qua 1-2 lần phẫu thuật nữa vì toàn bộ hệ thống động mạch từ trên xuống dưới đều đã bị tổn thương.
Bình luận