Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chị L.T.H. (26 tuổi, Hà Nội) mang thai đôi, một trai, một gái. Đến tuần thai thứ 24, chị H. bắt đầu có dấu hiệu đau tức bụng và ra dịch nhầy.
Chị đến một bệnh viện tại Hà Nội để kiểm tra và được chẩn đoán cổ tử cung đã mở. Dù được khâu cổ tử cung, nhưng chỉ sau 6 ngày, vết khâu bị hở, chị được chuyển gấp đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Biên Thùy, Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trước tình trạng một thai nhi vỡ ối và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các bác sĩ buộc phải để bé trai chào đời ở tuần thai thứ 26, nặng 730g. Bé được chuyển lên khoa Sơ sinh để hồi sức và chăm sóc đặc biệt.
Việc giữ lại thai nhi thứ hai trở thành quyết định đầy thách thức. Nguy cơ nhiễm khuẩn đối với thai còn lại rất cao, trong khi nếu để bé chào đời quá sớm, cả hai có thể đối mặt với nguy cơ di chứng nghiêm trọng về thần kinh, phổi, mắt, thậm chí tử vong. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và giải thích rõ với gia đình, bác sĩ quyết định giữ lại thai nhi thứ hai.
Chị H. được áp dụng phác đồ điều trị kháng sinh mạnh kết hợp sát khuẩn, xét nghiệm hàng ngày và theo dõi sát sao. Thật kỳ diệu, chỉ sau 1 tuần, cổ tử cung dần đóng lại, các dấu hiệu nhiễm khuẩn giảm, thai nhi tiếp tục phát triển ổn định trong bụng mẹ.
Đến tuần thai thứ 31, do xuất hiện dấu hiệu tiền sản giật nặng, nên các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Ca mổ thành công, bé gái nặng 1200g chào đời và được đưa ngay đến khoa Sơ sinh để tiếp tục chăm sóc đặc biệt.
Sau hơn 1 tháng được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, bé gái khỏe mạnh trở về vòng tay cha mẹ, đạt cân nặng 2500g. Bé trai, tuy sinh non ở tuần thứ 26, nhưng đã có những tiến triển tích cực, tăng từ 730g lên 2300g. Hiện bé vẫn được chăm sóc tại bệnh viện và sẽ sớm xuất viện.
Bình luận