Chiều 3/9, ông Nguyễn Văn Hưởng (Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho hay, Biển Đông tồn tại hai áp thấp nhiệt đới.
Áp thấp nhiệt đới thứ nhất xuất hiện từ lâu và đi từ Biển Đông vào từ tối 2/9 và sáng sớm nay (3/9) đổ bộ vào khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, hiện di chuyển từ đất liền ra biển Đông.
Trong khi đó áp thấp nhiệt đới thứ hai mới được hình thành vào sáng 2/9 ở giữa Biển Đông, đến sáng 3/9 suy yếu thành vùng áp thấp và đang di chuyển lên khu vực phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).
"Hai áp thấp nhiệt đới này đã nhập thành một áp thấp nhiệt đới chung và dịch chuyển về phía Đông Bắc, trong 48 – 72h tiếp theo sẽ hình thành cơn bão mới”, ông Hưởng cho hay.
Ngoài sự xuất hiện đồng thời của áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp trên Biển Đông, ông Hưởng cho biết thêm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương (phía Đông Phillipines) còn có sự xuất hiện của một cơn bão.
Theo ông Hưởng, áp thấp nhiệt đới mới đổ bộ vào khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế từ rạng sáng 3/9, gây ra mưa lớn trên diện rộng cho khu vực Nam Nghệ An – Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa đo được từ 7h ngày 2/9 đến 13h chiều 3/9 phổ biến từ 150 - 300mm, và nhiều nơi ở Hà Tĩnh có nơi lên tới xấp xỉ 500mm.
“Chúng tôi đang lo ngại vùng áp thấp tồn tại trên đất liền và đang dịch chuyển đi ra ngoài có thời gian tồn tại trên đất liền lâu, tác động gây mưa đến khu vực Trung Bộ kéo dài nữa và khi mưa lớn kéo dài như vậy sẽ gây áp lực lên hệ thống sông suối, các hồ thủy điện, thủy lợi ở khu vực Trung Bộ.
Chúng tôi cảnh báo các hiện tượng lũ ở khu vực từng Quảng Trị trở vào Thừa Thiên Huế có thể lên mức báo động 2, báo động 3 và có thể lớn hơn. Cùng với lũ lên thì nguy cơ xảy ra các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở 1 loạt các tỉnh miền Trung.
Khi áp thấp nhiệt đới di chuyển từ đất liền ra biển thì có xu hướng mạnh lên sẽ tác động đến tàu thuyền hoạt động trên biển, chính vì vậy cần hết sức chú ý và có phương án đề phòng”, ông Hưởng cho hay.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tưởng Thủy văn Quốc gia, hồi 16h ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16h ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ktrên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giật cấp 9.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Đến 16h ngày 5/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Từ nay đến ngày 5/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 200-400mm); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (150-250mm), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (50-150mm).Từ ngày 6/9 mưa lớn giảm nhanh ở Trung Bộ.
Trong đêm nay và ngày mai, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh; ở vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngoài ra, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh.
Bình luận