Nhiều năm trước đây, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thường xuyên nằm trong danh sách các doanh nhân được trả lương cao nhất Việt Nam. Không chỉ bầu Đức, rất nhiều sếp lớn của Hoàng Anh Gia Lai đều được trả lương bạc tỷ.
Đỉnh điểm năm 2014, tổng thù lao và các lợi ích khác mà Hoàng Anh Gia Lai trả cho bầu Đức là 5,58 tỷ đồng, tương đương 465 triệu đồng/tháng, tăng mạnh so với năm 2013. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không sếp lớn nào vượt qua được bầu Đức về lương thưởng.
Thế nhưng, kể từ năm 2015 – thời điểm Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu xuống dốc, công ty “giấu nhẹm” thông tin lương thưởng của từng sếp lớn. Thay vào đó, Hoàng Anh Gia Lai công bố quỹ lương chung cho Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Điều này được Hoàng Anh Gia Lai duy trì cho đến nay.
Báo cáo tài chính năm 2018 sau kiểm toán mới được công bố của Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ tiết lộ quỹ lương chung cho dàn lãnh đạo. Cụ thể, trong năm 2018, Hoàng Anh Gia Lai chi trả 11,6 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Quỹ lương này tăng đáng kể so với con số 10,3 tỷ đồng năm 2017.
Như vậy, năm ngoái, bình quân mỗi lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai nhận 1 tỷ đồng/người/năm, tương đương 83 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn rất nhiều so với khoảng thời gian đầu những năm 2010.
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, chắc chắn bầu Đức sẽ có thu nhập cao hơn mức trung bình 1 tỷ đồng/năm nhưng con số đó vẫn thua kém rất nhiều so với mức “đỉnh” 5,58 tỷ đồng năm 2014.
Lương của bầu Đức nói riêng và dàn lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai nói chung chưa thể “hồi phục” khi Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục chuỗi ngày lận đận bất chấp công ty được Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) “giải cứu”.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, trong năm, Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ 111 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên tới 154 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh bết bát khiến cổ phiếu HAG đứng ở mức thấp hơn mệnh giá rất nhiều. Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HAG giao dịch phổ biến ở mức 5.500 đồng/CP.
Bình luận