Theo Wired, Nga là một trong những "cái nôi" sản sinh ra những hacker tài năng nhất thế giới. Đội ngũ tin tặc của nước này được đánh giá rất cao nhờ thừa hưởng nền giáo dục tốt, đặc biệt là các môn toán học và khoa học tự nhiên.
Một ví dụ là Alexei Borodin, 21 tuổi, đã bắt đầu tập tấn công các website từ khi mới 12 tuổi. Anh từng xâm nhập vào hệ thống của Google, Apple, nhưng đồng thời cũng tham gia xây dựng hàng rào an ninh mạng.
Alexei cho biết: "Một hacker vừa có thể là kẻ tấn công, song cũng có thể trở thành người hùng bảo vệ. Ranh giới đó không rõ ràng".
Hacker mũ đen
Ken Dunham, chuyên gia phân tích cấp cao của Security Focus cho biết: "Hacker Nga là những người có khả năng lập trình tuyệt vời và thực sự am tường Internet. Họ biết cách xâm nhập rồi đi ra mà không để lại bất cứ dấu vết nào".
Vladimir Levin, hacker Nga, được biết đến là người đầu tiên thực hiện vụ cướp ngân hàng mà không cần vũ khí. Ông đã lấy đi 3,7 triệu USD từ các tài khoản Citibank khác nhau vào năm 1995 thông qua máy tính cá nhân và mạng dial-up.
Bogachev, hacker khét tiếng đang bị Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã với phần thưởng lên đến 3 triệu USD, cũng đến từ Nga. Đây được coi là tin tặc nguy hiểm nhất thế giới hiện nay với bảng "thành tích" dày cộp.
Hacker này nổi tiếng khi tạo ra GameOver Zeus - mã độc đã xâm nhập tài khoản ngân hàng tại 12 quốc gia và đánh cắp số tiền hàng trăm triệu USD. Chỉ riêng tại Mỹ, GameOver Zeus đã lây nhiễm trên hơn một triệu máy tính của hàng nghìn doanh nghiệp và đánh cắp hơn 100 triệu USD.
Bogachev cũng là tác giả của ransomware CryptoLocker mà khi máy tính bị lây nhiễm, chủ nhân của nó sẽ không thể truy cập vào các tài liệu trên thiết bị của họ, trừ khi chi ra một khoản tiền chuộc. Bogachev đã kiếm được số tiền ước tính 27 triệu USD trong vòng chưa đầy hai tháng từ CryptoLocker.
Song lý do khiến Bogachev trở thành tội phạm mạng đắt giá nhất của FBI từ trước đến nay là hacker này bị nghi đã can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Hacker Nga cũng được cho là đã tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, âm mưu thực hiện vụ tấn công tương tự vào cuộc bầu cử Tổng thống Đức.
Trong vài năm trở lại đây, hầu hết các sự kiện chính trị lớn, các vấn đề xảy ra đều xuất hiện cáo buộc liên quan đến hacker Nga. Mới nhất, FBI cho rằng tin tặc Nga đã tấn công vào cơ quan thông tấn Qatar, đưa thông tin giả mạo nhằm gây bất đồng giữa Qatar với Mỹ và các nước trong khu vực.
Hacker mũ trắng
Trong chiều hướng ngược lại, Nga cũng là nước có nhiều công ty bảo mật hàng đầu thế giới như Kaspersky Lab, Infovoch... với lượng lớn chuyên gia đang làm việc trong những công ty an ninh mạng tầm cỡ.
Kaspersky Lab đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện ra các vụ tấn công có chủ đích (APT) tinh vi và nguy hiểm trên thế giới, tiêu biểu như vụ mã độc Stuxnet tấn công hệ thống điều khiển thiết bị làm giàu Uranium của Iran năm 2010, hay các mã độc khét tiếng khác như Duqu 2.0, Red October, Dark Hotel...
Video: Lật tẩy 6 chiều hacker dùng để trộm tiền ATM
Nga coi an ninh mạng là một trong những mũi nhọn để bảo vệ đất nước. Đội ngũ chuyên gia tài năng đã đảm bảo cho ngành công nghiệp vũ khí, công nghiệp nặng, điện hạt nhân... của nước này có thể hoạt động thông suốt. Những người này cũng có thể coi là hacker, những hacker mũ trắng.
Liên quan đến những tác động chính trị, Nga luôn phủ nhận tấn công mạng các nước. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng tin tặc nước này có thể tiến hành các vụ tấn công mạng đơn giản chỉ là để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bình luận