"Động thái này vi phạm hoàn toàn luật pháp quốc tế. Nếu Nga thông qua đề xuất trên, nó sẽ làm xói mòn chủ quyền của Ukraine, đặt nghi vấn về cam kết của Nga trong việc tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 16/2.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh cần có phản ứng nhanh chóng và kiên quyết từ phía Mỹ với sự phối hợp đầy đủ cùng các đồng minh và đối tác của Washington.
Trước đó, hôm 15/2, Hạ viện Nga bỏ phiếu thông qua đề xuất kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ nền độc lập của Donetsk và Lugansk với 351 phiếu ủng hộ và 16 phiếu phản đối.
Nếu Nga công nhận sự độc lập của Donbass và Luhansk, động thái này có thể phá vỡ thỏa Thuận hòa bình Minsk. Thỏa thuận Minsk được các nước thuộc Bộ tứ Normandy - gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đạt được năm 2014 nhằm giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Tổng thống Putin khẳng định đề xuất của Hạ viện Nga cho thấy các nghị sĩ đồng cảm với những người dân sống ở vùng Donbass bị chiến tranh tàn phá.
"Chúng ta phải làm mọi thứ để giải quyết các vấn đề ở Donbass, nhưng trước hết phải thông qua các cơ hội chưa được thực hiện liên quan đến các thỏa thuận Minsk", ông Putin cho hay.
Căng thẳng Ukraine gia tăng nhiều tháng qua sau khi Washington và các đồng minh liên tục cáo buộc Nga huy động hơn 100.000 binh sỹ gần các biên giới của Ukraine để chuẩn bị cho nỗ lực can thiệp quân sự vào Kiev.
Nga bác bỏ các thông tin này, nhấn mạnh Moskva có quyền điều động binh sỹ bên trong lãnh thổ quốc gia.
Hôm 15/2, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một số đơn vị thuộc Quân khu miền Tây và Quân khu miền Nam của nước này rút về các căn cứ sau khi kết thúc hoạt động diễn tập. Tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi và yêu cầu Nga cung cấp bằng chứng về tuyên bố rút quân này.
Bình luận