Với 248 phiếu thuận và 181 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã không đạt đủ 2/3 số phiểu số thuận cần thiết để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Trump. Điều này đồng nghĩa với việc sắc lệnh khẩn cấp quốc gia Tổng thống Trump ban hành giữa tháng 2 vừa qua nhằm huy động ngân sách xây dựng bức tường biên giới với Mexico vẫn còn nguyên hiệu lực.
Đáng chú ý trong 248 phiếu thuận, chỉ có 14 Hạ nghị sỹ Cộng hòa quay sang ủng hộ phe Dân chủ, trong khi 1 Hạ nghị sỹ Dân chủ và 2 Hạ nghị sỹ Cộng hòa không tham gia bỏ phiếu.
Nhà lãnh đạo Mỹ cách đây ít giờ cũng đã lên tiếng về kết quả này.
"Cám ơn đảng Cộng hòa vì đã gắn bó với nhau và giành được Chiến Thắng Lớn ngày hôm nay về bức tường biên giới. Cuộc bỏ phiếu hôm nay đơn giản xác nhận lại rằng đảng Dân chủ tại Quốc hội là đảng của Biên giới Mở, Ma túy và Tội phạm", ông Trump viết trên Twiiter hôm 26/3.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện chính thức chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài dai dẳng suốt vài tháng qua liên quan tới sắc lệnh khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump.
Hôm 15/2, ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động ngân sách xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà bỏ qua sự đồng thuận của Quốc hội.
Quốc hội Mỹ không có quyền ngăn tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, Đạo luật khẩn cấp quốc gia có hiệu lực từ năm 1976 quy định Hạ viện và Thượng viện có thể đưa ra một nghị quyết chung nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp với lý do tổng thống đang hành động thiếu trách nhiệm hoặc mối đe dọa đã không còn tồn tại.
Tới ngày 14/3, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia mà nhà lãnh đạo Mỹ ban hành dựa trên tình hình tại biên giới Mỹ - Mexico với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống.
Không lâu sau đó, Tổng thống Trump ban hành quyền phủ quyết đối với dự luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia mà Thượng viện thông qua.
"Quốc hội tự do thông qua dự luật đó và tôi có nhiệm vụ phủ quyết nó", Tổng thống Trump nói từ Phòng Bầu Dục, khẳng định tình hình ở biên giới phía nam là mối đe dọa đối với sự an toàn của người Mỹ. Đây là lần đầu tiên ông Trump sử dụng tới quyền phủ quyết kể từ khi lên nắm quyền.
Việc Hạ viện thất bại trong việc đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Trump được xem là thắng lợi chính trị nữa của Tổng thống Trump sau khi báo cáo điều tra của Công tố viên đặc biể Robert Muller sau 22 tháng điều tra đã "minh oan" cho ông trước nghi vấn thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Bình luận