Ngày 28/6 tại Hà Tĩnh, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh rất quan tâm đến vấn đề phát triển khoa học và công nghệ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở KH&CN đã tích cực, chủ động tham mưu các chương trình, chính sách, dự án thúc đẩy hoạt động KH&CN, đi đầu trong chuyển đổi số, cải cách hành chính.
Tuy vậy, năng lực KH&CN của tỉnh nói chung còn yếu, chưa gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng, chưa có sản phẩm KH&CN mũi nhọn. Việc tham mưu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN hàng năm còn hạn chế, chất lượng chưa cao. Nhiều đề tài, dự án KH&CN thiếu tính ứng dụng thực tiễn.
Chủ tịch Võ Trọng Hải bày tỏ mong muốn, thời gian tới Bộ KH&CN quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ Hà Tĩnh một số nội dung quan trọng. Trong đó có việc đồng hành, hỗ trợ, giúp Hà Tĩnh củng cố luận cứ khoa học để đề xuất Chính phủ, Bộ Chính trị chấm dứt Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cũng mong muốn Bộ KH&CN quan tâm giúp Hà Tĩnh một số chương trình - dự án, kết nối Hà Tĩnh với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế để kêu gọi tài trợ các chương trình, dự án khoa học công nghệ, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ưu tiên, giúp Hà Tĩnh một số nhiệm vụ KH&CN về phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm đặc hữu, dịch vụ logistics, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ thêm một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực KH&CN của địa phương, cả về công tác quản lý Nhà nước cũng như hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao.
Về sở hữu trí tuệ, đến nay toàn tỉnh có 2.943 đối tượng sở hữu công nghiệp được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, tăng hơn 8 lần so với năm 2015. Có 16 sản phẩm được đăng ký bảo hộ thương hiệu cộng đồng, đang triển khai hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho sáu sản phẩm, trong đó có hai sản phẩm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, giai đoạn 2020 đến nay, Hà Tĩnh thực hiện hai nhiệm vụ cấp Nhà nước thuộc Chương trình Quỹ gen, 11 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi và 87 đề tài, dự án cấp tỉnh với nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó lĩnh vực Y dược tập trung nghiên cứu các loài thảo dược có khả năng hạn chế một số bệnh ung thư thường gặp, ứng dụng “Yoga trị liệu Việt Nam” để phục hồi chức năng cho bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não. Tiếp nhận, duy trì các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong y học.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã tuyển chọn đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất chất lượng, phẩm cấp tốt, thích ứng rộng vào sản xuất.
Trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất rau quả, chế biến nông sản thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá, công tác quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo tại tỉnh được triển khai toàn diện, có nhiều đổi mới, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, Hà Tĩnh cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao trong phát triển kinh tế, kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển văn hoá - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống của địa phương.
Thứ trưởng đề xuất một số giải pháp trọng tâm như tăng cường đầu tư tiềm lực cũng như thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Triển khai rà soát, đánh giá thực trạng ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong các tổ chức, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng cần tích cực đề xuất các nhiệm vụ KH&CN nhằm giải quyết các bài toán lớn về KH&CN mang tính liên ngành, liên vùng, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững. “Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh cũng như phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN”, thứ trưởng Trần Hồng Thái nói.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, được khởi công từ 2009 với quy mô 14.517 tỷ đồng, nằm trên địa phận huyện Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 2008 đến năm 2011, chủ đầu tư đã triển khai thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, đến độ sâu -34m, thu hồi 3 nghìn tấn quặng. Dự án đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2011 đến nay.
Bình luận