Quyết định thành lập hội đồng được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra cuối ngày 30/6. Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Dương Tất Thắng sẽ giữ vai trò Chủ tịch hội đồng.
Một Phó chủ tịch tỉnh khác là ông Đặng Ngọc Sơn sẽ giữ vai trò Phó chủ tịch hội đồng, trong khi các thành viên là lãnh đạo các Sở Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh & Xã hội, Tài chính và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân.
Công việc của hội đồng này là xây dựng đề cương, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện; từ đó đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, hội đồng cũng sẽ đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương, sau đó tổng hợp báo cáo lên tỉnh và Chính phủ.
Việc đánh giá thiệt hại phải đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định. Trong quá trình làm việc, hội đồng này được sử dụng con dấu của UBND tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Video: 5 cam kết của Formosa sau sự cố cá chết hàng loạt
Chiều tối 30/6, Chính phủ đã công bố việc xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) là nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung. Theo đó, lãnh đạo tập đoàn đã công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng này.
Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Trước đó, ngày 6/4, hiện tượng cá chết xuất hiện gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Bình luận