• Zalo

Hà Nội xin thu phí đại lộ Thăng Long: Bộ GTVT nói gì?

Thời sựThứ Bảy, 08/02/2014 06:25:00 +07:00Google News

(VTC News) - Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải bình luận gì trước thông tin Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng được thu phí trên đại lộ Thăng Long? 

Thành phố Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng được thu phí trên đại lộ Thăng Long. Như vậy, người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long này.
Nếu được Thủ tướng đồng ý, thành phố sẽ bỏ tiền ngân sách để xây dựng hệ thống thu phí nhằm tiến tới thu phí khép kín hoặc theo từng loại xe và quãng đường cụ thể đối với các phương tiện đi trên phần đường cao tốc của đại lộ Thăng Long. Phương tiện đi vào hệ thống đường gom không phải đóng phí.
 Người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ Thăng Long (Ảnh: Chí Hiếu)

 Người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ Thăng Long (Ảnh: Chí Hiếu)

Bình luận về thông tin này, chiều nay (7/2), trao đổi với phóng viên VTC News, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức về việc này. Do vậy, chúng tôi chưa thể đưa ra bình luận gì về thông tin đó.
Còn phải xem lý do Hà Nội đưa ra là như thế nào, sau đó Bộ Giao thông vận tải mới có ý kiến tham mưu cho Chính phủ được. Có một điều chắc chắn là với đề xuất này, phải có ý kiến tham mưu của nhiều Bộ, ngành, Thủ tướng mới ra quyết định”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói: “Đề án đó do chúng tôi đề xuất và đã trình Chính phủ. Vào thứ Ba tuần sau, tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể hơn về việc này từ lý do thu phí, thu phí để làm gì tới mức phí cụ thể ra sao...”
Trước đó, được biết theo lý giải của Hà Nội, việc thu phí nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường… Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí thì có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.
Ngoài ra, cũng là do thành phố đang thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm cho hạ tầng, cũng như khó khăn về kinh phí duy tu, quản lý tuyến đường sau khi nhận bàn giao từ bộ Giao thông Vận tải đầu năm 2013.
Những ý kiến trái chiều
Không lâu sau khi xuất hiện thông tin này, nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng hệ thống đường gom trên đại lộ Thăng Long có thể sẽ rơi vào cảnh ùn tắc, quá tải.
Độc giả Trần Trung Kiên viết: “Nếu thu phí thì chắc chắn 100% sau khi thực hiện, đường gom sẽ rơi vào tình trạng quá tải còn đường cao tốc thì rất ít xe đi”.
Khác với Trung Kiên, cư dân mạng Langthang bày tỏ lo ngại: “Mình tuần nào cũng đi trên đại lộ này. Chưa thấy đại lộ nào vắng xe như đại lộ này. Không biết thu phí thì tiền thu được có đủ nuôi bộ máy quản lý và thừa hành không? Chưa nói gì đến chuyện tái đầu tư vào công trình giao thông”.
Hầu hết những người phản đối đề xuất này đều bày tỏ lo ngại trước tình trạng “phí chồng phí”.
Nobeta bức xúc nêu quan điểm: “Đã thu phí bảo trì đường bộ hàng năm của ô tô, xe máy, cùng với đó Bộ Giao thông vận tải đang có chủ trương hạn chế những điểm thu phí cầu đường. Giờ lại xin lập điểm thu phí là sao?”.
Đồng quan điểm với Nobeta, bạn Tuấn viết: “Tôi vừa phải đóng trước tết 3,5 triệu đồng phí bảo trì đường bộ. Giờ đi vẫn phải thu phí như chặng Cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Thật vô lý hết sức!”.
Nhân chuyện này, độc giả Nguyễn Văn Cường đề xuất: “Nên bỏ thu phí bảo trì đường bộ rồi tất cả các tuyến đường lập trạm thu phí hết đi, thu sao cho đủ. Ai đi đường nào thì đóng ở đó, thế mới công bằng”.
Trong khi đó, những người ủng hộ đề án trên lại đưa ra những lý lẽ của riêng họ. Chẳng hạn, độc giả Thanh viết: “Nên là như vậy. Người dân có thể chậm hơn một chút, vất vả hơn một chút, nhưng sẽ có nơi phải trả lời về hiệu suất sử dụng đường chính được đầu tư bằng ngân sách”.
Cho rằng đề án trên Hà Nội “học lỏm” được từ nước ngoài, bạn Khang Nhật phân tích: “Sẽ có làn đường ở giữa được rào lại và thu phí. Làn này luôn luôn vắng (vì bị thu phí) nên đi sẽ ít kẹt hơn và được chạy tốc độ rất cao, giống như ở nước ngoài”.
Một điều gây tranh cãi gay gắt nữa liên quan tới đề án này là thông tư 197/2012 về quản lý, sử dụng phí đường bộ của Bộ Tài chính lại có nội dung không cho phép thu phí đường bộ với các tuyến được đầu tư bằng tiền ngân sách như đại lộ Thăng Long.
Rõ ràng, ngay chính các nhà làm luật, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng đang “đối nhau chan chát” khi liên tục đưa ra các đề xuất trái chiều nhau.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả về vấn đề này.
Bình luận
vtcnews.vn