Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 28/10, chuỗi lây nhiễm liên quan thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận tổng số 16 ca COVID-19 cộng đồng. Trong đó, có 15 trường hợp là người thôn Bạch Trữ, ca còn lại trú tại thôn Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Ổ dịch này là một trong những “điểm nóng” nhất về dịch bệnh tại Thủ đô hiện nay.
Trả lời VietNamNet, ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, lực lượng chức năng tới nay đã xác định được nguồn lây của ổ dịch xã Tiến Thắng.
Theo đó, xã này có nhiều hộ dân đi làm ăn xa, sinh sống tại TP Hà Giang, nơi dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Gần đây, một vài người trở về quê nhà Tiến Thắng, là nguồn lây lan dịch bệnh.
Ông Khương cho biết, chuỗi lây nhiễm được phát hiện sau khi huyện Mê Linh nhận được thông báo của CDC Hà Giang về một trường hợp test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Người này là nam giới, sinh năm 1971, từ Hà Giang về thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng hôm 21/10, đến 25/10 về lại Hà Giang.
Ngay sau đó, huyện Mê Linh đã triển khai lấy mẫu người liên quan F0 này và các trường hợp từ Hà Giang về, kết quả đến ngày 26/10 ghi nhận 1 mẫu dương tính là ông Đ.V.H, sinh năm 1964. CDC Hà Nội xét nghiệm bằng phương pháp PCR, khẳng định mắc COVID-19.
Được biết, ông H cũng sống tại Hà Giang, tuy nhiên không về cùng, chưa từng tiếp xúc ca bệnh sinh năm 1971. Ông về thôn Bạch Trữ từ ngày 23/10, các ngày 23- 24/10 đi đám tang trong thôn Bạch Trữ. Từ ca “chỉ điểm” là ông Đ.V.H, cơ quan chuyên môn điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện thêm 15 F0 liên quan.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, ngay ngày 26/10, lãnh đạo UBND huyện đã xuống xã Tiến Thắng để chỉ đạo triển khai các giải pháp dập dịch. Tối 26/10, lực lượng chức năng lập 8 chốt, phong tỏa toàn bộ thôn Bạch Trữ với 1.570 hộ dân và khoảng 8.200 nhân khẩu.
Huyện Mê Linh cũng tổ chức xét nghiệm cho tất cả người dân thôn Bạch Trữ và 3 thôn khác thuộc xã Tiến Thắng, tổng hơn 13.200 mẫu. Tới nay, đã xác định được hơn 260 F1 của các ca dương tính, đưa nhóm này đi cách ly tập trung.
“Ngay sau khi ghi nhận liên tiếp các F0 trong cộng đồng, chúng tôi đã yêu cầu các lực lượng phải phong tỏa chặt chẽ, không để dịch lan sang khu vực khác. Song song, phải tiến hành điều tra truy vết ngay. Tất cả tổ COVID-19 cộng đồng trong xã cùng với Trung tâm Y tế huyện và các đơn vị trực thuộc UBND huyện cùng phối hợp để đảm bảo bà con khai báo y tế trung thực”, ông Khương nói.
Một điểm đặc biệt của ổ dịch tại xã Tiến Thắng là F0 từng đi đám tang 2 ngày, nơi có thể tập trung đông người, nguy cơ bùng phát dịch mạnh.
Thông tin với VietNamNet về vấn đề trên, ông Khương cho hay, đám tang này được tổ chức rất nghiêm túc, có ít người tham dự (chủ yếu là anh em họ hàng).
“Chúng tôi đã điều tra, truy vết tất cả trường hợp có nguy cơ để đưa đi cách ly. Về cơ bản, đến hiện tại, chúng tôi đã khoanh vùng được toàn bộ khu vực ổ dịch”, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh nhấn mạnh.
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian phong tỏa, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo phòng Kinh tế phối hợp với UBND xã Tiến Thắng, đáp ứng nhu cầu về lương thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các ban ngành đoàn thể hỗ trợ người dân trong công tác đảm bảo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau màu.
Trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4), địa bàn TP Hà Nội ghi nhận tổng số 4.264 ca COVID-19, gồm 1.669 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng và 2.595 người được cách ly từ trước.
Ngoài xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội còn 2 ổ dịch “nóng” khác tại Quốc Oai và Đống Đa.
Tới nay, tổng số F0 liên quan chuỗi lây nhiễm tại xã Sài Sơn, Thị trấn Quốc Oai là 50 ca, trong đó 37 F0 trú tại huyện Quốc Oai, 6 người ở huyện Thanh Oai, 5 người Hà Đông, 1 F0 ở quận Ba Đình và 1 người ở Thị xã Sơn Tây. Ổ dịch này được CDC Hà Nội công bố có nguồn lây từ Thanh Oai.
Chuỗi lây nhiễm liên quan salon tóc Mẹ Ớt, số 36A, Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa hiện đã ghi nhận 17 ca COVID-19. Nguồn lây của ổ dịch này vẫn chưa được xác định.
Bình luận