(VTC News) - Hà Nội đang bắt đầu thực hiện đề án triển khai mô hình cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với dịch vụ ăn uống, tại các phường thị trấn của 29 quận huyện thị xã giai đoạn 2011-2015.
Dịch vụ nhỏ-nguy cơ lớn
Theo điều tra thực hiện trong năm 2011, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 26.121 cơ sở dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ với các loại hình: cung cấp dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở đó phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP mới được hoạt động, nhưng số lượng được cấp giấy chứng nhận thực tế mới đạt 62%.
Mặt khác, phần lớn các cơ sở phục vụ nơi đông người: trường học, bệnh viện, các đầu mối giao thông nên không khí xung quanh thường bị ô nhiễm. Nhiều nơi gần hệ thống cống rãnh ứ đọng nước bẩn, rác thải ứ đọng. Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm không đảm bảo theo quy định, bàn tay không được rửa sạch vẫn còn khá phổ biến.
Theo khảo sát trong năm 2010 tại các cửa hàng trên địa bàn 11 quận, thị xã của Hà Nội, vẫn còn 59,2% nhân viên tại các cửa hàng không được trang bị bảo hộ lao động, đeo đồ trang sức và để móng tay dài trong quá trình chế biến thức ăn.
Thức ăn đường phố sẽ sạch hơn?
Theo đánh giá của cơ quan quản lý về ATVSTP của Thủ đô, hình thức dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ bộc lộ nhược điểm như: thiếu hạ tầng cơ sở và dịch vụ vệ sinh môi trường; một số cung cấp dịch vụ theo kiểu “mùa vụ”, cơ động nên khó kiểm soát.
Người kinh doanh nhận thức về ATVSTP còn hạn chế, chấp hành quy định về ATVSTP mang tính đối phó, hình thức. Thậm chí ngay người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ này còn đơn giản, chủ quan và dễ chấp nhận các điều kiện phục vụ.
Hà Nội từng là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng mô hình điểm về VSATTP khởi điểm từ năm 1998 tại 5 phường. Mô hình này được nhân rộng tại 27 phường (vào năm 1999) với tiêu chí ngày càng khắt khe hơn. Từ 2001-2004, Hà Nội cũng là nơi đầu tiên được Cục ATVSTP lựa chọn triển khai mô hình điểm về ATVSTP tại các phường: Hàng Bông, Văn Miếu, Nghĩa Đô, rồi phát triển ra các phường: Giảng Võ, Cát Linh, Kim Mã, Bùi Thị Xuân.
Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP đánh giá: Việc triển khai thí điểm đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, của người kinh doanh và người tiêu dùng, cao hơn rõ rệt so với mức tăng chung của toàn xã hội.
Đến năm 2010 Hà Nội xây dựng mô hình mới thí điểm thức ăn đường phố tại 58 phường, thị trấn, nâng tổng số mô hình điểm lên 74 phường, thị trấn. Theo ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng ATVSTP Hà Nội: “Mô hình này đã thu được kết quả trong việc đảm bảo ATVSTP trên các phương diện như: điều kiện vệ sinh cơ sở, ý thức chấp hành các quy định về ATVSTP của chủ cơ sở; sự tham gia quản lý, giám sát và kiểm soát của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành và đoàn thể ở phường”.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, đề án sẽ được triển khai tại 176 phường, thị trấn (trong đó 154 phường, 22 thị trấn) của 29 Quận huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Đối tượng áp dụng thực hiện trong đề án gồm: cửa hàng ăn, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố: cơ sở bán rong.
Một điểm mới với đối với thức ăn đường phố, đó là: thí điểm xây dựng mô hình hàng rong về ăn uống có xe đẩy; mô hình quản lý tập trung hàng rong dịch vụ ăn uống tại một điểm cố định. Người bán hàng rong được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức.
Mục tiêu của đề án "Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với dịch vụ ăn uống tại các phường thị trấn của 29 quận huyện thi xã giai đoạn 2011-2015" đã được Chính phủ phê duyệt, đến 2015:
+ 100% các phường thị trấn thuộc 29 quận huyện thị xã triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống
+ 85% cán bộ làm công tác quản lý ATTP hiểu và triển khai thực hiện đúng các quy định ATTP
+ Hơn 70% người chế biến kinh doanh thực phểm hiểu và thực hành đúng các quy định ATTP
+ Hơn 70% người tiêu dùng hiểu và biết cách lựa chọn dịch vụ ăn uống đảm bảo ATTP
+ 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP
Sơn Nam/Tạp chí Sức khỏe và An toàn thực phẩm
Bình luận