Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ chiều và đêm 7/9, các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều và đêm 7/9, thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng chiều tối đến đêm 7/9.
Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Từ nay đến sáng 9/9, Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Cơn mưa to đến rất to tập trung từ chiều 7/9 đến sáng 8/9.
Do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, tầng hầm của một số nhà chung cư, nhà dân, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội.
Mưa lớn có khả năng gây sạt lở đất ở vùng đồi núi, sườn dốc của các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức...
Trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí của thành phố cập nhật tình hình bão số 3 mỗi tiếng/1 lần, hướng dẫn người dân các biện pháp giảm thiểu thiệt hại và đặc biệt khuyến cáo bà con nhân dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro liên quan đến bão số 3.
Trước đó, tại Công điện ngày 6/9, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…;
Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đặc biệt, các đơn vị lưu tâm đến các trường hợp, khu vực đã xảy sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người trước đây liên quan đến tai nạn khi đi qua khu vực bị ngập, đánh bắt cá, vớt củi...
Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt lưu ý đối với các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…
Bình luận