• Zalo

Hà Nội phát triển giao thông xanh giảm ô nhiễm môi trường

Tin nóngThứ Hai, 14/10/2024 21:40:43 +07:00Google News
(VTC News) -

Hà Nội sẽ tập trung phát triển giao thông xanh, thông minh, thân thiện với người sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả giao thông đô thị.

Chiều 14/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với thanh niên Thủ đô năm 2024 với chủ đề "Thanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại".

Tại buổi đối thoại, trả lời về chủ trương giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, giải pháp đã được các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều năm nay, góp phần thực hiện mục tiêu Hà Nội là thành phố “khỏe mạnh, đáng sống”. Trong đó, thành phố đang triển khai 5 nhóm giải pháp chính. 

Cụ thể, thành phố tập trung phát triển giao thông xanh, thông minh, tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại. Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng đô thị thông minh, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành giao thông, hướng đến việc xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp, thân thiện với người sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao hiệu quả giao thông đô thị.

Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam trả lời câu hỏi của thanh niên Thủ đô.

Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam trả lời câu hỏi của thanh niên Thủ đô. 

Bên cạnh đó, Hà Nội tăng cường cải tạo và bảo vệ môi trường đô thị gắn với quy hoạch phát triển Thủ đô. Thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tạo và xử lý ô nhiễm các hồ nước và hệ thống sông ngòi; mở rộng hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí và nước...

Đồng thời, thành phố thực hiện các giải pháp chuyển đổi năng lượng sang năng lượng và phát triển đô thị thông minh. Dựa trên cơ sở của Luật Thủ đô năm 2024 và quy hoạch phát triển đô thị, Hà Nội sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời mái nhà sẽ là trọng tâm trong chiến lược tiết kiệm năng lượng. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Giải pháp khác được Hà Nội đưa ra là phát triển không gian công cộng, không gian xanh theo mô hình đô thị vệ tinh. TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tạo và xây dựng các không gian công cộng, không gian xanh tại khu vực nội đô, đồng thời bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội theo tinh thần "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thủ đô 2024, trong đó có nhiều cơ chế đặc thù về phát triển hạ tầng giao thông, xử lý chất thải rắn... góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô.

“Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải có sự liên kết vùng, liên kết với các tỉnh bạn để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm. Quan trọng nhất, chúng ta cần xây dựng ý thức chung tay bảo vệ môi trường của cộng đồng, trong đó, đoàn viên, thanh niên phải tiên phong đi đầu với các phong trào thiết thực, cụ thể”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam nhấn mạnh.

Về kiến nghị tiếp tục nhân rộng mô hình bảng quảng cáo, rao vặt tập trung, đồng thời “hiến kế” xây dựng "góc quảng cáo, rao vặt trực tuyến" thí điểm tại các trang thông tin điện tử của các quận, huyện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhận định, đây là một trong những giải pháp tốt để giảm quảng cáo, rao vặt làm mất mỹ quan đô thị.

Trả lời câu hỏi của đoàn viên Trần Kim Huyền (quận Hoàn Kiếm) về tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ đối với nhân lực chất lượng cao, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, thành phố luôn quan tâm thu hút nhân tài vào làm việc với nhiều cơ chế, chính sách, tuy nhiên còn khó khăn do vướng chỉ tiêu biên chế, chính sách tiền lương nên chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Ông Trần Đình Cảnh cho biết, sau khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025, Hà Nội sẽ có điều kiện áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và có sự chủ động trong công tác tuyển dụng, bảo đảm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong khu vực công.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao đóng góp của đoàn viên, thành niên Hà Nội trong các công việc thường xuyên và đột xuất của thành phố thời gian qua bằng những công việc, việc làm cụ thể.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi đối thoại.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi đối thoại.

Tiếp thu các ý kiến, đề xuất của thanh niên Thủ đô trong xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại nhằm hiện thực hóa “khát vọng Thủ đô và hành động Hà Nội”, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định, chương trình đối thoại là một cơ hội, một diễn đàn để thanh niên Thủ đô đóng góp, gửi gắm những kỳ vọng phát triển đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng.

"Tất cả ý kiến của các bạn hôm nay đều có giá trị để thành phố nghiên cứu, chắt lọc, đưa vào xây dựng và triển khai chính sách phát triển Thủ đô. Thành đoàn Hà Nội cần tổ chức cho thanh niên có nhiều cơ hội hơn tham gia xây dựng chính sách", Chủ tịch Hà Nội nói.

Nhấn mạnh Luật Thủ đô vừa được Quốc hội khóa XV thông qua là luật rất quan trọng, liên quan đến công cuộc phát triển xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, thông minh của Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn đoàn viên, thanh niên dành thời gian tìm hiểu nhằm góp phần thực thi, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương dành cho thành phố.

Nhấn mạnh định hướng phát triển Thủ đô mà chủ thể, trung tâm là người dân Thủ đô, tất cả vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Thủ đô, ông Trần Sỹ Thanh nêu rõ, thanh niên Thủ đô thực sự phải tham gia gánh vác trọng trách xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Bình luận
vtcnews.vn