Loài bọ xít này đang sinh sôi mạnh ở các thành phố và tạo được tập tính sống gần con người.
Các ổ bọ xít nằm sát nhà dân
Sáng 22/6, anh Nguyễn Đắc Đại (Hoài Đức-Hà Nội) phát hiện ra gần chuồng chăn nuôi nhà mình có nhiều bọ xít. Mang chúng đến Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (18 Hoàng Quốc Việt), anh được biết đó là bọ xít hút máu.
Bọ xít hút máu trú ẩn khắp nơi |
Chiều 25/6, PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm của Viện đã cùng anh Đại về nơi phát hiện ra bọ xít thì thấy đây là một ổ bọ xítQ
Theo TS Lam, từ khi phát hiện ra loài bọ xít hút máu ở Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã ghi nhận 20 tỉnh, thành phố, từ bắc đến nam, có loài côn trùng này, nhiều nhất là Đà Nẵng, TPHCM, đặc biệt là Hà Nội.
Ở thủ đô có 21/29 quận, huyện ghi nhận sự có mặt của bọ xít hút máu. Riêng các quận nội thành có 31/36 phường ghi nhận có bọ xít hút máu xuất hiện trong nhà hoặc gần nhà, tấn công và hút máu người.
Ở huyện Từ Liêm phát hiện ra ổ bọ xít tới 1.300 cá thể. Ở quận Long Biên phát hiện ra nhiều ổ khoảng 700-800 con. Ở quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên đều phát hiện ra các ổ bọ xít với số lượng 50-200 con.
Một vài huyện đạt kỷ lục về số địa điểm phát hiện nhiều như Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Ứng Hoà. Các ổ này tập trung xung quanh nhà dân, nơi ẩm thấp, có gỗ mục, vải rách, vật dụng bỏ đi. Bọ xít từ đó phát tán vào các hộ gia đình.
Những cá thể bọ xít hút máu được phát hiện ở Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài. |
So với thời điểm mới phát hiện, theo TS Lam bọ xít hút máu đang sinh sôi đáng kinh ngạc và có xu hướng lan rộng. Số lượng ổ bọ xít hút máu ngày càng nhiều, vùng có bọ xít hút máu cũng mở rộng. Mỗi cá thể bọ xít hút máu mỗi năm có thể sản sinh ra 200-250 trứng. Cá biệt có những cá thể đẻ tới 500 trứng.
Tỷ lệ trứng nở khoảng 80-85%. Mỗi cá thể bọ xít hút máu, vì thế, một năm lại sản sinh ra 160-220 cá thể mới. Cá thể mới, ngay sau khi ra đời đã có khả năng hút máu.
TS. Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương chia sẻ: “Tôi bắt được một con, sau bảy tháng nó đẻ ra 327 con”.
Phát hiện ký sinh trùng đơn bào trong bọ xít
Hiện đang là mùa sinh sản cao điểm của bọ xít hút máu người, thường từ tháng năm đến tháng tám. Giai đoạn này, bọ xít hút máu cần thức ăn rất lớn nên phát tán vào nhà dân rất cao. “Từ tháng tư, chúng tôi đã nhận được điện thoại thông báo nhà dân bị bọ xít hút máu tấn công. Trung bình ngày nào cũng có điện thoại thông báo như vậy”, theo TS Lam.
Ông cho biết thêm, phát hiện gần đây cho thấy, bọ xít hút máu đang có xu thế sống gần con nguời, hoạt động từ 0h-3h. Chúng gây tê trước khi hút máu nên con người khó có thể phát hiện ra.
Hầu hết các trường hợp bị hút máu khi đang ngủ trên giường hoặc trên bàn học, bàn làm việc. Thời gian hút máu của loài này khá dài và lượng máu bị hút rất nhiều. Khi bị loài côn trùng này hút máu sẽ có triệu chứng xuất hiện các nốt đỏ, có thể bị phù, nề, sưng to, nặng hơn là bị sốt.
Các nhà khoa học Việt Nam còn phát hiện ra, trong bộ phận tiêu hóa của bọ xít hút máu ở Việt Nam có chứa những ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Trypanosoma. “Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về khả năng truyền bệnh của ký sinh trùng này.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng kết, loài bọ xít hút máu, trong đó có loài ở Việt Nam, có khả năng truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây ra bệnh Chagas. Căn bệnh có khả năng hủy hoại tim và gây rối loạn tiêu hóa. 7,8 triệu người Mỹ La Tinh từng mắc căn bệnh này vào thập niên 60.
Bình luận