Nội dung này được thực hiện theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023 của Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN cho UBND TP Hà Nội.
Sau 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111.500 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang quy tụ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam cũng như các dự án đầu tư của tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành đã chung sức xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển như ngày hôm nay.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù số lượng dự án đầu tư còn khiêm tốn nhưng từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc luôn bảo đảm duy trì, giữ vững mục tiêu với trọng tâm là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; thu hút được các viện nghiên cứu, trường đại học lớn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp... và các dự án sản xuất trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, sinh học, cơ khí chính xác... đến đầu tư và phát triển.
Đặc biệt, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bước đầu hình thành được chuỗi kết nối nghiên cứu - đào tạo - sản xuất; hình thành mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp. Đây là sự thành công của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc so với các Khu Công nghệ cao khác trong cả nước.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định quyết tâm huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội để tiếp tục phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra; một mặt tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, mặt khác xây dựng những cơ chế chính sách có tính đột phá để đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của quốc gia và có vị thế tương xứng trong khu vực.
Đối với Hà Nội, việc phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cụ thể hóa quy hoạch xây dựng TP phía Tây theo mô hình thành phố trong thành phố, kiến tạo nên một không gian phát triển mới cho Thủ đô trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tin tưởng, sau khi tiếp nhận, UBND TP Hà Nội sẽ kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tập trung xây dựng và đầu tư nguồn lực để phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ; trở thành vùng lõi của đô thị Hòa Lạc, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước.
Với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Biên bản chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN về TP Hà Nội và Chương trình phối hợp công tác giữa hai đơn vị để tiếp tục phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn tiếp theo.
Bình luận