Theo tìm hiểu của PV VTC News, nhà máy bia Hà Nội giao buôn cho các quán bia với giá từ 500.000 - 550.000 đồng/bom, mỗi bom 50 lít, tính ra 1 lít bia có giá trung bình khoảng 10.000 đồng (khoảng 3 cốc bia thông thường). Với giá 6.000 - 9.000 đồng/cốc, hầu hết các quán bia hơi Hà Nội đều lãi trên dưới 2 lần giá nhập vào.
Dân giải nhiệt, quán "vớ bẫm"
Thời tiết bắt đầu vào hè nắng nóng, không khí oi bức khiến nhiều người dân Việt nghĩ ngay tới việc phải uống một cốc bia để “giải nhiệt”. Chính vì vậy, các quán bia những ngày này luôn chật kín khách mỗi buổi chiều tan tầm và buổi tối. Nhân viên bàn làm việc toát mồ hôi, đôi khi phục vụ không kịp cho các thực khách còn bị la mắng.
Giờ cao điểm của bia hơi là sau khi các cơ quan tan giờ làm, 5 – 6 giờ, đây được coi là thời điểm “nóng” của hầu hết các cửa hàng bia hơi. Không khí lúc nào cũng ồn ào, nhộn nhịp đông đúc, nhờ đó, các quán bia hơi thu lãi khủng khiếp mỗi dịp hè về.
Anh Vũ Quốc Huy (Phú Diễn, Hà Nội), một người lái xe ôm chuyên chở bia cho các nhà hàng cho biết: Hiện nhà máy bia Hà Nội giao buôn cho các quán bia, các đại lý với giá từ 500.000 - 550.000 đồng/bom, mỗi bom 50 lít, tính ra mỗi 1 lít bia có giá trung bình khoảng 10.000 đồng. Nhưng hầu hết các quán bia hơi Hà Nội đều bán với giá 6.000 - 9.000 đồng/cốc, mỗi lít có thể rót được 3 cốc, tính ra mỗi lít bia các cửa hàng lãi trên dưới 2 lần so với giá gốc.
Lãi "khủng” như vậy nên mỗi ngày các quán có thể thu về ít nhất hàng chục triệu đồng là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên.
Anh Huy cũng nói thêm: “Tiền bia chưa ăn nhằm gì, tiền đồ nhắm mới “vớ bẫm”. Như quán thịt chó đầu đường Ngọa Long (Xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội ), đối diện siêu thị Ebest, ngày nào cũng ken cứng người nhất là vào cuối tháng, bởi quan niệm của người dân mình: “Cuối tháng ăn thịt chó”. Hàng ngày, tôi đều chở 8 bom bia tới đó, tương đương với sức tiêu thụ bia tại đây là 400 lít”.
Video: Hà Nội ngày "nóng như chảo lửa"
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hòa, quản lý quán bia Hải Xồm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét: Người Việt thường thích uống bia ở những quán vỉa hè bình dân hơn những cửa hàng quán sang trọng, thứ nhất vì sự tiện lợi, thứ hai là giá cả rẻ hơn.
“Ở Hải Xồm, bia hơi Hà Nội được bán với giá bình quân 9.000 đồng/cốc, trung bình 1 người khi vào quán thường uống khoảng 2 – 3 cốc, người nhiều thì uống trên 5 cốc. Những ngày nắng nóng, khách đông ước tính khoảng 400 khách, lượng khách tăng khoảng 70 – 80%, doanh thu tăng 30% so với ngày thường. Mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ tới 300 lít bia” – bà Hòa nói.
Không tiết lộ doanh thu cụ thể của cửa hàng nhưng bà Hòa cũng chia sẻ thêm: “Khi bán được bia, cửa hàng còn bán được cả đồ nhậu như lạc, nem chua, giò, rau xanh, cái gì cũng có”.
Tận dụng diện tích vỉa hè eo hẹp, cửa hàng bia hơi Hà Nội trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), mở cửa từ 4h chiều cho tới 9h tối, ngày nào cũng tiếp nhận khoảng 120 lượt khách.
Anh Nguyễn Đức Thành, nhân viên cửa hàng vừa tất tả bê vác những bom bia nặng trịch để chuẩn bị phục vụ khách trong buổi chiều, cho biết: Để tăng cường cho mùa hè, cửa hàng đã tuyển thêm đội ngũ nhân viên làm việc theo ca. Lượng nhân viên ngày thường chỉ có 6 người, giờ tăng lên gấp đôi, những lúc khách đông, nhân viên phải “chạy bở hơi tai”.
Anh Thành bật mí: “Tại đây, cửa hàng mỗi ngày tiêu thụ được khoảng hơn 200 lít, ngày đông nhất doanh thu được hơn 20 triệu đồng tiền bia”.
Đó chỉ là con số “khiêm tốn” của một quán bia nhỏ, có sức chứa trên 100 khách. Hãy thử nhẩm tính, đối với những quán bia nổi tiếng có sức chứa khoảng 2.000 khách thì doanh số thu về sẽ khủng khiếp thế nào.
Lý giải về việc vì sao người dùng thích uống bia, anh Hồ Quốc Quang, Giám đốc công ty Thịnh Phát, một khách hàng quen thuộc của cửa hàng bia Lan Chín tâm sự: “Hầu như ngày nào tôi cũng đi uống, nó như một thói quen khó bỏ, hôm thì đi với bạn, hôm uống một mình, một phần cho đỡ khát vì trời hè nắng nóng rất háo nước, một phần vì đi với bạn bè hàn huyên, tâm sự cho vui. Tôi thích không khí rôm rả, hò “zô” của các quán bia hơi”.
Một số khách hàng khác thì cho rằng: “Nói thế nào thì nói, bia hơi vẫn thơm và ngon hơn bia chai, nó là một sản phẩm tươi sống nên uống đến đâu cảm nhận được sự tươi mát đến đó, tạo nên một hương vị khác biệt, một cảm giác sảng khoái khó tả - không thể có được khi uống bia chai. Cũng giống như khi bạn uống một cốc sữa tươi, khác hơn nhiều một cốc sữa hộp”.
Cần đánh thuế bia rượu mạnh hơn nữa
Trao đổi với PV VTC News, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: Mỗi năm, người Việt tiêu thụ bình quân hết 3 tỷ lít bia, rượu, nên 4 tháng đầu năm 2016 tiêu thụ hết 1 tỷ lít bia, con số này cũng không quá đột biến. Nhất là khi, quý 1 này là thời điểm sau Tết Âm lịch gắn với các buổi họp hành, sự kiện lớn của đất nước, có nhiều tiệc chiêu đãi ăn uống.
Thêm vào đó, thời tiết cũng bắt đầu vào hè nóng lên. Mặc dù, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho các loại rượu, bia đã tăng trong năm 2016 nhưng một số doanh nghiệp vẫn duy trì mức giá bán ổn định nên tiếp tục khuyến khích sức mua của người dùng.
Hơn nữa, “nói gì thì nói, Việt Nam là nước có văn hóa uống bia, văn hóa nhậu nhẹt theo đám đông nên nếu muốn giảm bớt lượng tiêu thụ, tôi nghĩ không thể một sớm một chiều có thể làm ngay được” – TS. Phong nói.
Mặc dù, sức tiêu thụ rượu bia lớn có mặt tích cực là tăng tổng cầu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân,… nhưng lại có nhiều mặt trái tiêu cực cần loại bỏ.
“Theo tôi, chúng ta nên giảm bớt rượu bia nhất là dịp lễ, tết và những dịp ra đường tập trung đông người, vì rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Đây là tác động lớn nhất, đáng lên án nhất của những người uống bia, rượu.
Tôi ủng hộ việc tăng cao hơn nữa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành hàng bia rượu. Đặc biệt là đối với những loại rượu có hàm lượng cồn cao, dù cho các doanh nghiệp sản xuất sẽ kêu ca nhiều.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Vì vậy, tôi ủng hộ việc tăng cao hơn nữa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành hàng này, đặc biệt là đối với những loại rượu có hàm lượng cồn cao, dù cho các doanh nghiệp sản xuất sẽ kêu ca nhiều. Chỉ có biện pháp mạnh tay mới mong tiết giảm lượng dùng của người sử dụng” - TS. Phong nhấn mạnh.
Là người đã nhiều năm sống ở Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ: Ở các nước Âu châu họ không có tập quán chuốc bia rượu… 1, 2, 3 rồi uống cho hết ly. Và trong nền kinh tế tự do, chính phủ không có các biện pháp hành chính để hạn chế tiêu thụ bia trong nước.
Nhưng họ dùng biện pháp hành chính chống tiêu thụ mang tính tiêu cực xã hội. Chẳng hạn, quy định trẻ em không được mua rượu bia với nồng nộ nào đó. Đặc biệt, ngoài phục vụ nhu cầu nội địa, cái họ hướng tới là xuất khẩu.
Đơn cử như ở Mỹ mức rượu bia tiêu thụ lớn nhưng so với đầu người thì không bằng Việt Nam. Ở Đức cũng vậy, là nước sản xuất ra bia ngon nhưng chỉ có lễ hội bia tháng 10 họ uống nhiều kinh khủng nhưng chỉ trong thời gian đó thôi. Còn cả năm mức tiêu thụ lượng bia không nhiều. Hà Lan chủ yếu bán ra nước ngoài để lấy ngoại tệ về làm tăng giá trị gia tăng cho quốc gia.
“Việc tiêu thụ rượu bia quá lớn không những không đem lại lợi ích kinh tế mà nó phá hủy lợi ích kinh tế khi nó trở thành tệ nạn xã hội. Làm sao những cơ thể say xỉn có thể lao động một cách hiệu quả. Có lẽ đây là vấn đề xã hội cần phải quan tâm nhiều hơn” – TS.Hiếu kết luận.
Bình luận