(VTC News) – Với các dự án “rùa” như đường vành đai 1,2,3, đường Văn Cao - Hồ Tây, đường 32, đường 5 kéo dài, UBND TP Hà Nội vừa công khai mổ xẻ nguyên nhân và chốt thời gian hoàn thành.
Quý I năm 2012 sẽ xóa sổ hình ảnh "con đường đau khổ"
trên quốc lộ 32 (Ảnh: Internet).
Làm rõ chất vấn này, UBND TP Hà Nội cho biết, với dự án đường vành đai 1, TP đã thực hiện cải tạo, mở rộng các đoạn Ô Đông Mác - Ô Chợ Dừa thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giải quyết giao thông kết nối đồng bộ các tuyến phố, đường xuyên tâm quốc lộ 1, quốc lộ 6…
Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, với đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái đã được phê duyệt từ ngày 20/12/2005, tiến độ thực hiện dự án chậm là do quy hoạch chi tiết hai bên đường chậm, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khó khăn do cơ chế, chính sách, thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế của chủ đầu tư chậm.
Hiện đang lập quy hoạch 1/500 để thực hiện đồng bộ tuyến đường với tuyến phố và đang triển khai GPMB, khảo sát, điều tra, lên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự án thi công năm 2012, hoàn thành năm 2014.
Đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được phê duyệt từ ngày 7/4/2008, công trình chậm do vướng mắc chủ yếu về cơ chế, chính sách GPMB và sự phối hợp của Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị, UBND quận Đống Đa, UBND các phường liên quan và một số sở, ngành trong việc đề xuất cơ chế, chính sách. Dự án này sẽ thu hồi đất và thực hiện công tác bồi thường GPMB các hộ dân còn lại, dự kiến hoàn thành trước tháng 8/2012, xây dựng công trình hoàn thành năm 2013.
Đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục dự kiến phê duyệt dự án đầu tư năm 2012, thực hiện thu hồi đất, GPMB năm 2013 và xây dựng công trình hoàn thành năm 2016.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, với dự án đường vành đai 2, hiện đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng dự kiến phê duyệt dự án trong năm 2012, thu hồi đất, GPMB năm 2013, xây dựng công trình hoàn thành năm 2016;
Đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở được phê duyệt từ 23/9/2011, thực hiện thu hồi đất và bồi thường GPMB năm 2012, xây dựng công trình hoàn thành năm 2016; Đoạn Nhật Tân - Xuân La-Bưởi - Cầu Giấy dự kiến khởi công trong quý I năm 2012, hoàn thành năm 2015.
Cũng theo TP Hà Nội, dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu dự kiến GPMB hoàn thành trong quý 2 năm 2012, thi công cầu và đường hoàn thành năm 2014; còn phần đường trên cao đoạn Vĩnh Tuy-Ngã tư Vọng dự kiến phê duyệt năm 2012, khởi công vào quý 4 năm 2012, hoàn thành năm 2014; phần đường 5 chuẩn bị thảm, hoàn thành năm 2013.
Với dự án đường vành đai 3, UBND TP Hà Nội cũng làm rõ, hiện đã hoàn thành các đoạn cầu Thăng Long (từ Bắc Thăng Long-Nội Bài), đoạn Nam Thăng Long - Mai Dịch đã đầu tư mặt cắt 23m; Dự án cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội dự kiến hoàn thành quý I năm 2012.
Các đoạn đang triển khai gồm dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm (đường trên cao) dự kiến sẽ hoàn thành năm 2012; đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long triển khai đầu tư năm 2013-2014; đoạn Ninh Hiệp - đường Bắc Thăng Long - Nội Bài dự kiến triển khai từ năm 2013, hoàn thành năm 2016.
Hà Nội thừa nhận tiến độ thi công đường Văn Cao-Hồ Tây “quá chậm”
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng lên tiếng về tốc độ “rùa” của dự án đường Văn Cao-Hồ Tây, theo các đại biểu HĐND, dự án đường Văn Cao-Hồ Tây, đường 32, đường 5 kéo dài, nhiều diện tích đã được UBND các quận, huyện GPMB, bàn giao cho các chủ đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm, diễn ra tình trạng tái lấn chiếm. Theo đó, “đề nghị UBND TP cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp xử lý?”.
Với chất vấn này, UBND TP Hà Nội cũng đồng tình “tiến độ thi công và GPMB dự án quá chậm”, theo UBND TP, một số nguyên nhân chủ yếu là công tác GPMB nhiều khó khăn, phức tạp (nhất là đối với 78 trường hợp thuộc khu tập thể quân đội và một số hộ 2 phía đầu cầu Hoàng Hoa Thám), do tạm dừng một thời gian thực hiện công tác thám sát khảo cổ. Cùng với đó, chưa thường xuyên quyết liệt trong công tác GPMB trên địa bàn quận Tây Hồ.
Theo UBND TP Hà Nội, đối với các phương án thuộc khu tập thể quân đội, UBND quận Tây Hồ, Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình quân nhân chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai, GPMB, chấp hành việc kiểm đếm, xác định giá trị tài sản… và căn cứ ý kiến kết luận của UBND TP và Bộ Quốc phòng đề xuất phương án xử lý, hoàn thành quý II năm 2012. Dự kiến, thông xe phần cầu vượt Hoàng Hoa Thám quý I năm 2012, hoàn thành toàn tuyến trong quý III năm 2012.
Về dự án quốc lộ 32, TP Hà Nội nêu, đã hoàn thành 27 km từ Nhổn-Sơn Tây, cơ bản hoàn thành 1,92km từ Mai Dịch-Cầu Diễn. Riêng đoạn Cầu Diễn-Nhổn (khoảng 4km) triển khai từ tháng 10/2008, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp thiếu chặt chẽ, thường xuyên, quyết liệt của chủ đầu tư, nhà thầu thi công và chính quyền địa phương, năng lực một số nhà thầu yếu.
Hiện UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT, UBND huyện Từ Liêm và các sở, ngành tập trung quyết liệt công tác GPMB, triển khai thi công dự án, thay thế nhà thầu năng lực kém. Đến ngày 2/9/2011 dự án đã hoàn thành thông xe phần mặt đường trên toàn tuyến, các hạng mục còn lại (cây xanh, vỉa hè, hầm đi bộ, nút giao đường sắt và kết nối hạ tầng khu vực, trong đó khối lượng công việc lớn nhất là 4 hầm đi bộ) dự kiến hoàn thành trong quý I năm 2012.
Về dự án đường 5 kéo dài trên địa bàn Đông Anh đã thi công xong khoảng 9,0km/10,5km nền đường, một số đoạn đang thi công các lớp kết cấu mặt đường, chuẩn bị thảm, hoàn thành năm 2013. Trên địa bàn Long Biên đang thi công nền đường và hầm cho người đi bộ. Đối với cầu Đông Trù, đã thi công xong toàn bộ thân, bệ mố trụ (trừ 4 trụ trên địa bàn xã Đông Hội còn vướng mặt bằng), hiện đang thi công kết cấu phần trên.
Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TP chỉ đạo Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn chủ động phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa với huyện Đông Anh tiếp tục theo tiến độ hoàn thành GPMB, phối hợp các ngành giải quyết những vướng mắc GPMB, giá cả, điều chỉnh tổng mức đầu tư và tạm ứng, thanh toán khối lượng thi công. Đồng thời, kiên quyết thay thế nhà thầu không còn khả năng, năng lực thực hiện gói thầu.
Kiều Minh
Bình luận