Hà Nội từng có hẳn một con phố chuyên bán thịt chó mang tên Nhật Tân. Vài năm trở lại đây, hàng chục hàng quán chuyên bán thịt loài động vật được cho là thân thiết nhất với con người này đã dần đóng cửa.
Đâu đó ở Nhật Tân vẫn còn một vài biển hiệu rao bán thịt chó, nhưng tất cả đã cũ nát, rách rưới treo trước những ngôi nhà cửa đóng then cài. Người ta từng xì xào bàn tán về việc những chú chó bị giết quay về báo oán những chủ quán buộc họ phải đóng cửa.
Việc những quán thịt chó ở Nhật Tân đóng cửa từng được xem là một dấu hiệu tích cực, cho thấy người dân đã dần thay đổi thói quen, cách nhìn nhận về việc ăn thịt chó.
Tuy nhiên, thịt chó lại len lỏi vào từng con phố, ngõ chợ ở Hà Nội. Không biết bao nhiêu quán thịt chó vẫn đang ngày ngày hiển hiện, thậm chí hoành tráng hơn xưa trên đất Hà Thành.
Giờ không chỉ thịt chó, những quán bán thịt mèo cũng mọc lên nhan nhản. Những con mèo ngày ngày vẫn nằm ngủ cùng con người nay cũng lên bàn nhậu.
Thịt chó, mèo giờ không chỉ là món nhậu của nhiều người, thuộc đủ các tầng lớp từ giới trí thức cho tới lao động phổ thông, mà còn được xem là thứ thịt giải xui mỗi khi họ gặp chuyện chẳng lành. Ăn thịt chó, mèo vì thế chẳng có lý do nào để giảm đi.
Thăm dò ý kiến: Quan điểm của bạn đối với việc ăn thịt chó, mèo, chuột...?
Ngày nay, trước sự lên án mạnh mẽ của nhiều người, những hàng quán ở Hà Nội lặng lẽ gỡ biển bán “Thịt Chó”, “Thịt Mèo” để thay bằng cái tên nghe có vẻ mĩ miều, nhân đạo hơn: “Thịt Cầy”, “Tiểu Hổ”.
Nếu như với những người Tây phương việc ăn thịt chó, mèo là biểu hiện sự thiếu văn minh, thì ở Việt Nam, thịt của hai loại này lại bất ngờ được xem là món ăn khoái khẩu của một đại bộ phận, riêng thịt chó còn được người ta đẩy lên thành cái gọi là văn hóa "ăn thịt chó".
Giữa tháng ăn thịt chó, cuối tháng ăn thịt chó. Những tưởng xã hội càng văn minh thì việc ăn thịt chó sẽ biến mất, nhưng thật tiếc điều đó đã không xảy ra ở Việt Nam, và thủ đô Hà Nội là một ví dụ đậm nét trong việc tiêu thụ thịt chó, thịt mèo.
Những con chó, con mèo vốn hàng ngày là bạn với con người, bỗng bị xiềng xích, bị đập búa vào đầu cho tới chết, rồi mang đi thui trên những ngọn lửa thành ra đen xì. Chúng sau đấy được đem đi hấp, nướng ngay trên những con phố sầm uất dễ thu hút nhất, rồi biến thành một phần của những nồi lẩu nghi ngút khói, bên cạnh những bát tiết canh chó đỏ au. Thiết nghĩ chẳng có cái chết nào khủng khiếp và man rợ tới như vậy.
Nhìn những chú chó, chú mèo bị thui đen, mắt trợn trừng, nhe răng trắng ởn nằm trên những sạp hàng cáu bẩn, hay trong những lồng kính trên những con phố Hà Nội nhìn thật thiếu nhân đạo, kém văn minh.
Ăn thịt chó, mèo còn kéo theo đó là hiện tượng bất ổn xã hội. Đó là khi những chú chó bất ngờ trở thành nguồn sống của phường đầu trộm đuôi cướp, nghĩa là trộm không xong thì quay ra cướp.
Nhìn những chú chó, chú mèo bị thui đen, mắt trợn trừng, nhe răng trắng ởn nằm trên những sạp hàng cáu bẩn, hay trong những lồng kính trên những con phố Hà Nội nhìn thật thiếu nhân đạo, kém văn minh.
Những con chó đang tung tẩy ngoài đường bỗng nhiên bị những kẻ trộm chó tròng cổ lôi đi xềnh xệch trên phố. Những tên trộm sẵn sàng đáp trả lại chủ nhân những chú chó bằng súng và dùi cui điện. Nhiều mạng người lương thiện đã bị những tên đầu trộm đuôi cướp sát hại. Ngược lại, nhiều tên trộm phải đổi mạng với chính những con chó mà chúng ra tay giết hại. Những hình ảnh mà chỉ nghĩ tới thôi cũng đã thấy rùng mình về sự tàn bạo.
Bấy nhiêu hệ luỵ khủng khiếp đó đã đủ chứng minh sự thiếu văn minh, tàn bạo xung quanh chuyện ăn thịt chó mèo.
Ở thời kỳ đói khát, việc giết và ăn thịt một con chó, con mèo hoặc chuột bọ, rắn rết còn có lý do để giải thích. Nhưng đến thời đại này, khi mà các nguồn dinh dưỡng từ thịt cá đã ê hề, chuyện ăn uống đã nâng lên tầm nghệ thuật thì việc ăn thịt chó mèo, rắn rết, chuột bọ thật sự là chuyện không nhỏ xét theo khía cạnh văn hoá, văn minh.
Mới đây UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo, trong đó vận động người dân không ăn thịt chó, mèo. Chính điều này sẽ tạo ra hình ảnh phản cảm đối với khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội, khi tại đây có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm.
Chắc hẳn không phải ai cũng đồng tình với đề nghị trên nhưng nên làm như vậy. Từ bỏ được thói quen ăn thịt chó, mèo, ít nhất chúng ta đã góp phần làm giảm bớt những bất ổn trong xã hội từ việc "săn chó", "bắt người" như hiện nay. Lớn lao hơn đó còn là sự thể hiện một xã hội văn minh, nhân ái.
Việc quên đi “miếng dồi chó”, “thịt mèo” còn sẽ giúp cải thiện hình ảnh của người Việt trong mắt du khách nước ngoài. Những người dân Thủ đô cần phải là những người đi tiên phong trong việc này.
Bình luận