• Zalo

Hà Nội không phạt 'xe không chính chủ' chạy trên đường

Thời sựThứ Hai, 15/04/2013 06:30:00 +07:00Google News

Hôm nay 15/4, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn chưa tiến hành xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định khi xe đang lưu thông ngoài đường.

Ngày 14/4, Đại tá Đào Vịnh Thắng- trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - PC67, Công an Hà Nội cho biết, phòng đã hoàn thành công tác tập huấn cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại các đội trên địa bàn về việc hướng dẫn kiểm tra, xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.

Trao đổi với PV, lãnh đạo các đội CSGT của Hà Nội đều khẳng định, trên cơ sở hướng dẫn chi tiết của thông tư 11- Bộ Công an và chỉ đạo, quán triệt của PC67- Công an thành phố, trước mắt, từ ngày mai 15-4, (thời hạn cuối áp dụng xử phạt được Bộ Công an đưa ra trước đó) lực lượng làm nhiệm vụ vẫn chưa tiến hành xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định khi xe đang lưu thông ngoài đường.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi người sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe nộp đầy đủ hồ sơ xin sang tên đổi chủ theo quy định, cơ quan đăng ký xe sẽ trả kết quả, cấp giấy đăng ký mới. 

Theo trung tá Nguyễn Văn Đức- Đội trưởng đội CSGT số 2 (PC67 Hà Nội), lực lượng CSGT của đội sẽ không dừng xe đang lưu thông trên đường để xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ, kể cả các xe vi phạm giao thông bị dừng xe xử lý cũng chỉ xử phạt các lỗi theo quy định, không cộng dồn lỗi chưa sang tên.

"Lực lượng làm nhiệm vụ chỉ xử phạt các lỗi vi phạm theo quy định mà không xem xét lỗi chưa sang tên. Tuy nhiên đây chỉ là chủ trương trước mắt, do đó các chủ phương tiện chưa sang tên cần phải tiến hành làm thủ tục sang tên ngay, tránh sau này bị xử phạt nặng khi có chủ trương", ông Đức nói.

Trung tá Nguyễn Chí Công- Đội trưởng đội CSGT số 7 (PC67 Hà Nội) cũng cho biết, lực lượng CSGT của đội sẽ vận dụng theo đúng hướng dẫn chi tiết trong thông tư 11.

Theo đó, CSGT không dừng xe đang lưu thông trên đường để xử lý việc không chuyển quyền sở hữu, việc xử lý chỉ thông qua việc đăng ký, cấp biển số phương tiện, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, qua phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, qua điều tra các  vụ án hình sự….


Riêng các trường hợp vi phạm bị tạm giữ phương tiện theo quy định, người vi phạm phải xuất trình được các giấy tờ cần thiết theo quy định, nếu không xuất trình được lực lượng chức năng sẽ tiến hành xác minh, điều tra nguồn gốc xe.

Khi phát hiện chủ phương tiện đã quá 30 ngày làm giấy mua bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên sẽ tiến hành xử phạt theo quy định của Nghị định 71 (xe máy sẽ bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng (mức phạt trung bình một triệu đồng), ôtô bị phạt 6-10 triệu (mức phạt trung bình 8 triệu đồng).


Thống kê của phòng Quản lý phương tiện - PC67 Hà Nội, từ ngày 1 đến 12-4, PC67 đã làm thủ tục sang tên đổi chủ cho trên 3.000 xe.

Theo Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Quản lý phương tiện, việc số lượng các phương tiện sang tên đổi chủ tăng nhanh trong những ngày vừa qua là do tâm lý chủ phương tiện sợ bị xử phạt theo thời hạn (15-4) được đưa ra trước đó.

Ngoài ra việc lệ phí trước bạ ô tô giảm từ ngày 1-4 cũng là một động lực lớn để các chủ phương tiện đi làm thủ tục sang tên. Theo mức giảm này, chủ phương tiện tiết kiệm được chi phí đáng kể- ô tô chở người dưới 10 chỗ nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức 10% (quy định cũ là từ 10%-20%); lệ phí trước bạ lần 2 trở đi chỉ còn 2%.

Ông Thảo cho biết, sau 15-4 các điểm tiếp nhận hồ sơ sang tên đổi chủ phương tiện vẫn tiếp tục mở cửa tiếp đón người dân đến làm thủ tục.

Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn