Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thiện và đang xây dựng.
(VTC News) – Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thiện và đang xây dựng.
Nếu so sánh diện mạo đô thị Hà Nội ngày nay so với vài năm trước, chắc hẳn ai cũng cảm nhận thấy rõ ràng sự thay da đổi thịt của thành phố.
Không khó để nhận ra những công trình, cơ sở hạ tầng mới được hoàn thành, các công trình giao thông trọng điểm như đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…
Cùng với những công trình như tuyến đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, nhà ga T2 Nội Bài, 2 hầm chui lớn nhất Hà Nội vừa được hoàn thiện và góp phần tạo nên những điểm nhấn quan trọng cho thủ đô.
Đầu năm 2015, Thành phố Hà Nội đã liên tiếp khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng, trong đó không thể không nhắc đến cầu Nhật Tân, cây cầu thứ sáu vượt sông Hồng của Hà Nội và đây cũng là cây cầu hiện đại nhất tính tới thời điểm này.
Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam bắc qua khu vực phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) và xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội)
Không chỉ là một trong những cây cầu có thiết kế độc đáo nhất Việt Nam, với kết cấu chính theo dạng dây văng bao gồm năm nhịp, năm tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, giống như năm cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân.
Ngày 4/1/2015, Bộ Giao thông Vận tải chính thức khánh thành nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và đưa vào sử dụng các dự án nhà khách VIP A; nhà ga T2.
Với tổng mức đầu tư đến 900 triệu USD, đây đang là mức đầu tư lớn nhất đối với các dự án nhà ga hàng không Việt Nam tính đến nay.
Nhà ga T2 được đầu tư hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất 10 triệu hành khách/năm và có khả năng mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm.
Ngày 5/12/2015, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã chính thức được thông xe, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ còn khoảng 1,5 giờ thay vì 2,5 giờ như trước đây.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án được khởi công từ tháng 5/2008, và thông xe toàn tuyến vào ngày 5/12/2015. Tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam
Tuyến cao tốc dài 105 km chạy qua địa phận các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội (6 km), Hưng Yên (26 km), Hải Dương (40 km) và Hải Phòng (33 km)
Cao tốc mới có tổng chiều dài toàn tuyến 105,5 km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35 m.
Tuyến cao tốc sẽ giảm tải cho quốc lộ 5, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ còn khoảng 1,5 giờ thay vì 2,5 giờ như trước đây
Mới đây nhất,ngày 8/1/2016, Tp Hà Nội khánh thành hai hầm chui tại nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi và Trung Hoà, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và kết nối với các tuyến cao tốc, đường vành đai tại cửa ngõ phía tây, phía nam của thủ đô.
Hầm chui Trung Hòa với tổng chiều dài hầm và đường dẫn hơn 600m, tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng.
Dự án đưa vào khai thác sẽ tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc.
Hầm chui Thanh Xuân, dài 980 m, được khởi công từ tháng 6/2014 tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hầm có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản.
Công trình hầm cơ giới được triển khai thi công song song với dự án đường sắt trên cao. Hai tuyến trên cao (một đường sắt, một đường dành cho ôtô) kết hợp với tuyến đường mặt đất và hầm tạo thành nút giao 4 tầng đầu tiên ở Việt Nam). Ngay sau khi được thông xe, hầm chui Thanh Xuân đã giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại ngã tư “đau khổ” này.
Video: Hầm chui hoàn thành sau 4 ngày bộ trưởng kiểm tra
Bình luận