Thông tin trên được Giáo sư Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Quốc gia Dân số Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS” do Liên hiệp Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo GS Trần Tiến Đức, mỗi năm, Quỹ Hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS của Hà Nội được đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng hoạt động chi tiêu thế nào thì không ai biết vì không công khai minh bạch.
“Hà Nội là thành phố có tỉ lệ người nhiễm HIV cao nhất của cả nước, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS của Thành phố được đầu tư rất nhiều. Theo tôi biết, mỗi năm Quỹ này lên đến hơn 20 tỷ đồng. Nhưng chi tiêu ra sau, sử dụng vào những chương trình gì thì có ai biết đâu. Đây là sự thiếu minh bạch, thiếu công khai”, GS Đức nói.
Theo GS Trần Tiến Đức, hiện nay nhiều dịch vụ chăm sóc y tế cộng đồng đáng lẽ được miễn phí thì lại đang bị thương mại hóa, biến thành phương tiện để “kiếm chác” của một số người.
Được biết, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS TP Hà Nội được xây dựng từ năm 2009 với tư cách như là đơn vị sự nghiệp công lập.
Quỹ chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Y tế thành phố Hà Nội và có chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ở trong nước và ở nước ngoài tham gia xây dựng quỹ, đóng góp tiền của, vật chất… để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khám, chữa bệnh và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
Kinh phí hoạt động của Quỹ được hình thành từ ngân sách sự nghiệp Y tế, ngân sách chương trình dự án phòng chống HIV/AIDS Quốc gia và viện trợ đóng góp từ các nguồn thu hợp pháp khác.
Cũng theo GS Trần Tiến Đức, không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều tỉnh/thành khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Trong khi nguồn kinh phí dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS nói riêng và quỹ chăm sóc sức khỏe người dân nói chung đang thiếu thì nhiều tỉnh/thành lại đang chi tiêu “vô tội vạ” cho những dự án “thiếu tính thiết thực”.
Video: Người nhiễm HIV có thể sống lâu ngang người không bị bệnh
“Tôi lấy ví dụ như tỉnh Sơn La. Họ hô hào xây dựng tượng đài lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong khi mỗi năm tỉnh vẫn phải ngửa tay đi xin gạo cứu đói. Tôi nói thật, với số tiền xây tượng đài đó của Sơn La cũng đủ chi phí cho 3 năm mua bảo hiểm y tế của người dân toàn tỉnh này”, GS Đức dẫn chứng.
Bình luận