Tại Hội nghị phản biện xã hội của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức hôm qua (13/3), ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trình bày dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân về danh mục và mức trần các dịch vụ hỗ trợ giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của thành phố.
Theo ông Cương, dịch vụ chăm sóc bán trú quy định mức trần là 235.000 đồng/học sinh/tháng áp dụng cho tất cả các trường công lập. Mức thu hiện nay là 150.000 đồng/học sinh/ tháng.
Mức thu tiền ăn của học sinh là 35.000 đồng/ngày đối với bữa trưa, 20.000 đồng/ngày đối với bữa sáng. Mức thu trang thiết bị bán trú 200.000 đồng/học sinh mầm non/năm; 133.000 đồng/học sinh tiểu học và THCS/năm (tăng 1,3 lần); nước uống 16.000 đồng/học sinh/tháng.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các khoản thu dịch vụ giáo dục ngoài giờ. Trong đó, chăm sóc trước và sau giờ học là 12.000 đồng/học sinh/giờ; trông giữ trong ngày nghỉ là 96.000 đồng/học sinh/ngày; dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh 10.000 đồng/học sinh/km; tiền ở của học sinh nội trú tại một số trường có khu nội trú là 400.000 đồng/tháng.
Căn cứ mức trần, (mức cao nhất), các nhà trường xây dựng mức thu cụ thể và được thoả thuận bằng văn bản với phụ huynh học sinh trên tinh thần tự nguyện.
Ông Cương cho biết thêm, các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các trường công lập hiện thực hiện theo quyết định 51/2013/QĐ-UBND từ năm 2013, đến nay đã hơn 10 năm. Trong khi đó, Nhà nước đã điều chỉnh mức lương cơ sở cũng như tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 so với năm gốc 2013 của thành phố là 33,44%.
“Do vậy, việc mức thu các khoản thu khác (dịch vụ hỗ trợ giáo dục) của Hà Nội vẫn giữ nguyên khiến các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập gặp nhiều khó khăn trong thực hiện dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Dự thảo mức thu các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đang được lấy ý kiến”, ông Cương nói.
Tham gia góp ý tại hội nghị, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn tiền dịch vụ bán trú 235.000 đồng/tháng/học sinh sẽ được sử dụng như thế nào phù hợp mỗi cơ sở giáo dục.
Việc làm rõ hơn nhu cầu thực tế để quy định mức thu hợp lý vì tất cả khoản thu này đều đặt lên vai của phụ huynh. Ví dụ, mỗi người phục vụ ăn bán trú, trông nom học sinh bán trú… phục vụ được bao nhiêu học sinh? Từ đó, sẽ tính ra mức thu đối với mỗi cơ sở giáo dục có đủ chi hay không.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, việc xây dựng các mức thu phải bảo đảm hài hòa danh mục và phù hợp khả năng chi trả của phụ huynh học sinh trong điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống người dân còn khó khăn. Trong đó, phải tính đến cả yếu tố vùng nội thành, ngoại thành khác nhau.
Bình luận